Để tối đa lợi ích từ nguồn tiền nhàn rỗi, Kho bạc Nhà nước thường gửi tiền thanh toán (không kỳ hạn) và có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Đây là nguồn vốn tốt mà nhiều nhà băng mong muốn, song không phải ai cũng được tiếp cận. Khoảng hơn 250.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước đang được tập trung tại 4 nhà băng có vốn nhà nước. Nhưng, chưa đến 5.000 tỷ nằm rải rác tại một số ngân hàng cổ phần như MBBank, LienVietPostBank, HDBank.
Vào cuối năm 2018, Kho bạc Nhà nước gửi không kỳ hạn gần 50.000 tỷ đồng tại Vietcombank và BIDV. Lãi suất không kỳ hạn mà các nhà băng trả cho Kho bạc Nhà nước tuỳ từng thời điểm, chi nhánh nhưng thường rơi vào mức 1%. Bởi vậy, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín đánh giá nguồn vốn giá rẻ lớn này góp phần giúp họ có cơ sở giảm lãi suất bình quân huy động, cho vay. Bên cạnh đó, tài khoản thanh toán phục vụ thu chi cho mục tiêu của Nhà nước cũng giúp họ có thêm nguồn thu dịch vụ từ việc bán chéo sản phẩm.
Tuy nhiên, theo quy định mới có hiệu lực từ tháng 11, các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức này sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại như trước đây.
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Độ, hai quy định mới này được kỳ vọng tạo nên cơ chế minh bạch hơn để Kho bạc Nhà nước lựa chọn ngân hàng gửi tiền nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà băng có vốn nhà nước.
Tuy nhiên, theo tính toán của VnExpress, ngay cả khi đấu thầu công khai, cơ hội vẫn nghiêng nhiều về các ngân hàng quốc doanh. Theo quy định mới, để được "chọn mặt gửi tiền", đầu tiên, các ngân hàng phải có tên trong danh sách "nhà băng có mức độ an toàn cao" do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Bộ Tài chính. Sau đó, từ danh sách này, Kho bạc Nhà nước sẽ đánh giá một lần nữa nhưng dựa trên 4 tiêu chí theo Thông tư 64/2019 do Bộ Tài chính quy định. Qua hai vòng đánh giá này, các ngân hàng sẽ tham gia chào thầu: ai trả lãi cao, ngân hàng đó được ưu tiên.
4 tiêu chí do Bộ Tài chính quy định gồm: quy mô tổng tài sản; tổng vốn chủ sở hữu; nợ xấu so với dư nợ tín dụng; kết quả hoạt động kinh doanh (lãi sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân) và được tính theo trọng số. Tuy nhiên, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu vẫn chiếm tới 80% trọng số đánh giá. Do đó, với bộ tiêu chí này, vẫn chỉ 4 nhà băng có vốn nhà nước đáp ứng được yêu cầu, do họ có cách biệt lớn với nhóm cổ phần về quy mô tài sản và vốn.
Nhân viên ngân hàng kiểm tiền. Ảnh: A.Q. |
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch của LienVietPostBank, một trong các ngân hàng cổ phần nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc cũng nhìn nhận, chỉ các nhà băng lớn mới đáp ứng được bộ tiêu chí này.
Nhưng theo ông, bên cạnh tiêu chí này, Ngân hàng Nhà nước nên điều phối một phần tiền gửi của Kho bạc (có thể không nhiều như các ngân hàng lớn) dành cho một số nhà băng có thế mạnh giải ngân lĩnh vực ưu tiên. Điều này giúp họ có khoản vốn tốt, có điều kiện giảm lãi suất và rót vốn cho các lĩnh vực đặc biệt này.
Ngoài ra, với quy định mới từ đầu tháng 11, lượng tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc tại các ngân hàng sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vào cuối ngày thay vì để tại ngân hàng như trước. Chuyên gia Bùi Quang Tín nhận định việc sụt giảm một lượng tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc có thể sẽ ảnh hưởng nhất định đến nguồn vốn giá rẻ của "Big 4".
Tuy nhiên, trước khi quy định mới về việc kết chuyển có hiệu lực, các khoản tiền nhàn rỗi đã được Kho bạc Nhà nước cơ cấu lại theo hướng giảm tiền gửi thanh toán, tăng tiền gửi kỳ hạn. Tới cuối tháng 9, lượng tiền gửi thanh toán của Kho bạc tại hai nhà băng đã giảm mạnh 40.000 tỷ đồng xuống còn 10.000 tỷ, chỉ chiếm 7% tổng tiền gửi của Kho bạc. Trong khi đó, tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank và BIDV đều tăng gần 25% lên lần lượt là 69.250 và 63.250 tỷ.
Trong khi đó, theo Công ty chứng khoán SSI, việc thay đổi này có thể làm giảm lượng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng nhưng không có tác động lớn.
Quỳnh Trang