'Cấp 80% vốn tín dụng cho dự án BOT và BT, ngành ngân hàng gặp nhiều áp lực'

23/11/2024
Đại diện NHNN cho biết 80% vốn đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BT, BOT là do ngành ngân hàng tài trợ. Tuy nhiên, ngành ngân hàng gặp áp lực về vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và các dự án giao thông có nguồn thu không ổn định, ảnh hưởng chất lượng tín dụng.
Cấp 80% vốn tín dụng cho dự án BOT và BT, ngành ngân hàng gặp nhiều áp lực - Ảnh 1.

Dự án BOT gặp vấn đề nguồn thu không đảm bảo dự kiến ban đầu gây áp lực cho ngành ngân hàng. Ảnh: A. Minh

Tại hội thảo thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ ngày 22/11, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết vốn đầu tư thúc đẩy kết cấu hạ tầng giao thông xuất phát từ các nguồn như ngân sách Trung ương, vốn của địa phương và nguồn tư nhân. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng cam kết cấp vốn cho chủ đầu tư để thực hiện 120 dự án giao thông trên cả nước. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) có khoảng 20 dự án đang được đầu tư về kết cấu hạ tầng giao thông. Ngành ngân hàng đã quan tâm và đầu tư vốn nhưng bà Tùng thừa nhận nguồn đầu tư từ nguồn tín dụng ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Đại diện NHNN tại hội thảo chỉ ra thứ nhất là vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông đòi hòi nhu cầu vốn rất lớn. Thứ hai là thời gian đầu rất tư dài, thường trên 20 năm nên các tổ chức tín dụng cũng khó trong cân đối nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Thời gian qua, do chính sách thu phí giao thông của Nhà nước thay đổi dẫn đến doanh thu của một số dự án không đủ, ảnh hướng đến nguồn vốn để trả nợ và ngân hàng cũng gặp khó khăn.

Bà Tùng dẫn số liệu tổng hợp từ các tổ chức tín dụng cho thấy khoảng 50 trên tổng số 120 dự án có doanh thu thực tế không đạt như dự kiến, ảnh hưởng đến việc trả nợ và chất lượng tín dụng. Do đó, đại diện NHNN cho rằng cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng cho vay, tức là Nhà nước phải đảm bảo cơ chế thu phí ổn định, bảo đảm doanh thu cho dự án như ban đầu thì các tổ chức tín dụng mới đủ cơ sở để cho vay.

Đại diện NHNN thống kê khoảng 80% vốn đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BT, BOT là do ngành ngân hàng tài trợ. Điều này đặt áp lực quá lớn cho ngành ngân hàng vì đầu tư dài hạn. Giải pháp được đưa ra là cần đa đạng hoá các nguồn lực đầu tư, Nhà nước phải tăng tỷ lệ đầu tư và các chủ đầu tư phải tăng nguồn vốn tự có. Ngoài ra, các dự án cần tăng cường nguồn huy động từ trong và ngoài nước như vốn FDI, ODA. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư công tư PPP và cho phép cơ chế chia sẻ rủi ro, phương án tài chính của dự án và cho phép doanh nghiệp dự án có thể phát hành trái phiếu để đầu tư cho công trình kết nối giao thông.

Cơ chế huy động vốn phù hợp cũng giúp cho các tổ chức tín dụng giảm áp lực cho vay và chia sẻ được rủi ro đối với các dự án giao thông. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng cũng tham gia được nhiều hơn vào nhiều dự án. Các tổ chức luôn xem xét đầu tư bảo đảm trên nguyên tắc cân đối nguồn lực của ngành ngân hàng, không có hạn chế nào đối với dự án giao thông, quan trọng là tính khả thi của các dự án đó.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc Quốc hội ban hành Luật Đối tác công tư (PPP) vừa qua làm cơ sở pháp lý là một thành công nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ông Huy lấy ví dụ việc các nhà đầu tư phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng nhưng hiện nay thị trường tín dụng dài hạn tại Việt Nam chưa phát triển. Việc nhà đầu tư đi vay đến 80% vốn không sai, bởi họ là những người nghiên cứu và tìm ra lợi thế dự án để thực hiện, họ không phải người có lợi thế đi huy động vốn, việc này phải do các tổ chức tín dụng, hoặc các quỹ đầu tư thực hiện.

Tuy nhiên, ông đánh giá đây là lần đầu tiên, với Luật PPP, Việt Nam có cơ chế chia sẻ rủi ro. Nhưng về cá nhân, ông cho rằng cơ chế này vẫn chưa đủ, vẫn còn nhiều thách thức mà cụ thể là mới có cơ chế chia sẻ rủi ro duy nhất về mặt doanh thu. Còn nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải đổi ra tiền Việt Nam, thu phí bằng tiền Việt Nam rồi lại đổi về tiền của nước họ. Ông Huy đặt ra nhiều vấn đề như tỷ giá hối đoái sẽ như thế nào, có đảm bảo cho họ về chuyển đổi ngoại tệ...

Nguồn: