Trong đó, SHB, EIB, LPB là 3 mã tăng giá mạnh nhất, lần lượt tăng 12,7%, 12,4% và 10,8%. Trong đó, SHB ghi nhận chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp, LPB cũng tăng một mạch trong 5 phiên liền.
Ngày 12/11 sắp tới, SHB sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức tỷ lệ 10,5%. Đồng thời, ngân hàng sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 28%, giá chào bán 12.500 đồng/cp.
LPB cũng có thông tin đáng chú ý khi Thaiholdings – công ty có liên quan tới ông Nguyễn Đức Thụy (Phó Chủ tịch HĐQT LPB) đăng ký bán 22,4 triệu cổ phiếu, dự kiến giao dịch từ 4/11 đến 3/12/2021 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh tuần vừa rồi, như PGB tăng 8%, BVB tăng 7,7%, MSB tăng 7,4%, OCB tăng 7,1%,…
Các cổ phiếu lớn cũng có diễn biến tích cực: CTG tăng 3,8%, BID tăng 5,1%, TCB tăng 2,7%,…Trong khi đó, VCB lại giảm nhẹ 0,5%.
TPB là cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất tuần này. Sau khi thiết lập đỉnh 44.850 đồng/cp vào ngày 29/10, sang tuần đầu tháng 11, cổ phiếu TPB điều chỉnh 3%, đóng cửa phiên 5/11 ở mức 43.500 đồng/cp.
SHB và TCB dẫn đầu về thanh khoản trong nhóm ngân hàng tuần qua, với khối lượng giao dịch đạt hơn 145 triệu cp và hơn 112 triệu cp.
Trong đó, khối lượng giao dịch của SHB tăng đột biến trong 2 ngày 4-5/11, đạt 44-45 triệu đơn vị mỗi phiên. Trong phiên 5/11 cũng có hơn 6,2 triệu cổ phiếu SHB được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân 28.500 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với giá đóng cửa 31.500 đồng/cp.
Khối ngoại đã mua ròng hơn 8,8 triệu cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua, trong đó, CTG, STB, VCB được mua mạnh nhất. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 5,5 triệu cổ phiếu CTG, hơn 4,7 triệu cp STB và hơn 1,2 triệu cp VCB từ 1-5/11. Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng 1,9 triệu cp TPB và hơn 1,1 triệu cp OCB,…
Trước việc cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực trong tuần đầu tháng 11, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng sẽ xuất hiện sóng mới của "cổ phiếu vua". Dự báo của chuyên gia về cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới cũng có những quan điểm trái chiều.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, ngành ngân hàng chứng kiến mức định giá dao động trong biên độ hẹp nhưng tăng trưởng lợi nhuận ròng Quý 3-2021 lại tương đối khả quan. Theo đó, VDSC đánh giá cao về khả năng được tái định giá trong những tháng cuối năm đối với cổ phiếu ngân hàng, khi tính đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự phóng trong Quý 4-2021 cũng như cho năm 2022.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, với nhóm cổ phiếu ngân hàng, vùng giá hiện nay là vùng rất hấp dẫn để mua vào, nắm giữ. Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng bình luận, sẽ khó có sóng mới đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nếu có thì chỉ là hồi phục.
Nguồn: