Có TPDN lãi suất lên tới 13%, ngân hàng tiếp tục dẫn đầu khối lượng phát hành khi mốc hẹn gần kề

29/11/2024
Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, cơ quan quản lý không cấp phép phát hành trái phiếu như đối với TPDN phát hành ra công chúng, ngoại trừ việc phát hành TP chuyển đổi, TP kèm chứng quyền của công ty đại chúng tại thị trường trong nước. Đồng thời, với quy định mới, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ.

Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA), trong tháng 8/2021, đã có tổng cộng 52 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước, với tổng giá trị đạt 26.077 tỷ đồng. Trong đó có 51 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng của CTCP Masan Meatlife với giá trị gần 2.000 tỷ đồng.

Trong tháng 8, nhóm ngân hàng vẫn tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành (KLPH), với tổng giá trị phát hành 10.854 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng giá trị phát hành.

Đáng chú ý là một số ngân hàng thương mại (NHTM) đang phải sử dụng kênh này để có nguồn dài hạn, kê vốn cải thiện yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR). Cụ thể, có 2.324 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, Vietinbank, VIB, MB và Viet Capital Bank. Lãi suất phát hành các trái phiếu tăng vốn cấp 2 chủ yếu là lãi suất thả nổi tham chiếu bình quân lãi suất tiết kiệm của nhóm "Big 4", dao động từ 6,1% đến 7,6%/năm.

Trong khi đó, các ngân hàng có KLPH lớn gồm VPBank (2.630 tỷ), OCB (2.000 tỷ), SHB (1.400 tỷ), đều là các trái phiếu kỳ hạn 2-4 năm, lãi suất cố định 3,5%-4,2%/năm.

Như vậy xu hướng phát hành trái phiếu kỳ hạn chỉ từ 2-4 năm của các NHTM tiếp tục thể hiện, nằm trong mốc hẹn đã gần kề khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hạ giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% xuống 37% từ 01/10 tới.

Ở vị trí thứ hai, nhóm bất động sản có tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 8.950 tỷ đồng. Trong đó khoảng 15% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.

Một số tổ chức phát hành có KLPH lớn nổi bật trong tháng gồm: CTCP Bông Sen (4.800 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Big Gain (1.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành trong khoảng từ 1-4 năm. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8,2-13%/năm.

Có TPDN lãi suất lên tới 13%, ngân hàng tiếp tục dẫn đầu khối lượng phát hành khi mốc hẹn gần kề - Ảnh 1.

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo nhóm ngành trong tháng 8/2021. Nguồn: VBMA

SỐ ĐỢT PHÁT HÀNH CHƯA BẰNG NỬA CÙNG KỲ NHƯNG GIÁ TRỊ TĂNG HƠN 40%

Như vậy, lũy kế 8 tháng 2021, đã có tổng cộng 490 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị đạt 308.517 tỷ đồng. Trong đó có 476 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 296.933 tỷ đồng, 14 đợt phát hành ra công chúng giá trị 11.584 tỷ đồng (chiếm 3,75%) và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài tổng giá trị 1 tỷ USD.

Nhóm các NHTM tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 116,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 24.186 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 20,8%), 78,3% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm, lãi suất thấp dao động từ 3-4,2%, cố định trong toàn bộ thời hạn của trái phiếu.

Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 với tổng KLPH 107,98 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13%/năm.

Trong giai đoạn trên, có 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của CTCO Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD).

Đáng chú ý, so với cùng kỳ 2020, có thể thấy, tuy số đợt phát hành chưa bằng 1/2 cùng kỳ song khối lượng phát hành TPDN thành công của các doanh nghiệp trong 8 tháng 2021 đã tăng tới hơn 40%.

Có TPDN lãi suất lên tới 13%, ngân hàng tiếp tục dẫn đầu khối lượng phát hành khi mốc hẹn gần kề - Ảnh 2.

Nguồn: VBMA

CƠ QUAN QUẢN LÝ LIÊN TỤC RA CẢNH BÁO

Trước sự tăng trưởng nóng của thị trường TPDN, từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã nhiều lần và liên tiếp đưa ra khuyến cáo liên quan đến rủi ro tiềm ẩn ở kênh này.

Ngày 9/9, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán (UBCK) tiếp tục phát đi thông cáo khẳng định sẽ thanh tra các công ty chứng khoán trong việc phân phối, chào mời nhà đầu tư không đủ điều kiện mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Cụ thể, lãnh đạo UBCK cho biết cơ quan quản lý sẽ tăng cường giám sát, thanh tra các đơn vị cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện sai phạm, đặc biệt là việc lách quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc chào bán sai đối tượng.

"Hiện, UBCK đã có kế hoạch thanh tra một số công ty chứng khoán khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt hơn. Đồng thời, sẽ quyết liệt và xử lý nghiêm minh nếu các công ty chứng khoán để xảy ra sai phạm", đại diện cơ quan quản lý khẳng định.

Trong thông cáo phát đi gần đây để thông tin về một số vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý đang được dư luận xã hội quan tâm, Bộ Tài chính một lần nữa đưa ra cảnh báo với nhà đầu tư khi tham gia thị trường này.

Theo đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.

"Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Do đó, phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu", Bộ Tài chính lưu ý.

Có TPDN lãi suất lên tới 13%, ngân hàng tiếp tục dẫn đầu khối lượng phát hành khi mốc hẹn gần kề - Ảnh 3.

Trước đó, ngày 01/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn số 10059 gửi UBCK, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường TPDN.

Công văn của Bộ Tài chính nêu rõ, tuy đã đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường trong thời gian qua, nhưng thị trường TPDN hiện cũng đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Cụ thể, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.

Do đó, Bộ đã chỉ đạo tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Với việc từ ngày 01/01/2021, phát hành TPDN riêng lẻ thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, khung pháp lý về phát hành TPDN đã có những thay đổi căn bản.

Cụ thể, đối với TPDN phát hành ra công chúng được cơ quan quản lý là UBCKNN cấp phép chào bán; yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải có lãi; đối tượng mua là mọi nhà đầu tư.

Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, cơ quan quản lý không cấp phép phát hành trái phiếu như đối với TPDN phát hành ra công chúng, ngoại trừ việc phát hành TP chuyển đổi, TP kèm chứng quyền của công ty đại chúng tại thị trường trong nước. Đồng thời, với quy định mới, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ.

Nguồn: