HSBC Việt Nam: Tỷ giá năm 2020 chịu nhiều áp lực

23/11/2024
Nguồn thu từ xuất khẩu không còn tích cực và việc Việt Nam bị vào danh sách theo dõi thao túng tỷ giá của Mỹ cũng là một tín hiệu đáng lo ngại.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC Việt Nam nhận định, Ngân hàng Nhà nước đã có một năm thành công khi sử dụng những chính sách hợp lý, linh hoạt để ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Sang năm 2020, ông Khoa cho rằng có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung - cầu thị trường.

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần chú ý và theo dõi như sự bất ổn khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, cuộc chiến thương mại và Brexit đều chưa đến hồi kết, 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ...

Việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tỷ giá của Mỹ cũng là một tín hiệu đáng lo ngại. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động từ việc sụt giảm nhu cầu toàn cầu. Do đó, nguồn thu từ xuất khẩu có thể sẽ không còn được tích cực như trong năm nay.

Theo đó, ông Khoa cho rằng xu hướng tỷ giá tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới liên tục vận động. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải phối hợp với cơ quan điều hành chính sách, điều hành thị trường theo hướng linh hoạt, chủ động để tránh tạo ra những cú sốc về tỷ giá, lãi suất. Chưa kể, kinh tế năm sau có khả năng sẽ đứng trước nhiều khó khăn hơn, dẫn đến vấn đề hướng đi cho tỷ giá cũng gặp nhiều thách thức.

Ông Ngô Đăng Khoa. Ảnh: PV.

Ông Ngô Đăng Khoa. Ảnh: PV.

Về phía doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, ông Khoa khuyến nghị cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất, ... để đảm bảo chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.

Trong phiên giao dịch 20/12, tỷ giá trung tâm hiện được Ngân hàng Nhà nước công bố ổn định quanh 23.163 đồng nhưng giá USD trong ngân hàng lại điều chỉnh. Cụ thể, giá mua USD của Vietcombank niêm yết sáng 20/12 bất ngờ tăng 30 đồng so với ngày trước đó, lên 23.110 đồng, còn giá bán giữ nguyên mức 23.230 đồng.

Đây là động thái đáng chú ý khi thời gian dài vừa qua, Vietcombank cũng như nhiều nhà băng khác thường duy trì giá USD ổn định hoặc là điều chỉnh theo xu hướng giảm. 

Nhìn lại năm 2019, cặp tỷ giá USD/VND gần như duy trì đà ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng và thậm chí tiền đồng tăng giá so với đồng bạc xanh khi Ngân hàng Nhà nước chủ động hạ giá mua vào cuối tháng 11. Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng trong năm chỉ dao động trong biên độ tương đối hẹp và bám quanh mức mua vào của Ngân hàng Nhà nước 23.200 đồng, sau đó là 23.175 đồng. Từ đó, nhà điều hành cũng mua được lượng lớn ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến khó lường khiến nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc mất giá xuống mức thấp nhất 11 năm qua, tiền đồng vẫn giữ được xu hướng ổn định. Xu hướng này càng rõ nét hơn khi Trung Quốc là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Lệ Chi

Nguồn: