Bộ phận phân tích của công ty chứng khoán SSI vừa có báo cáo Thị trường tài chính tiền tệ tháng 2/2020.
Trong tháng 2 vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát nghiêm trọng. Nới lỏng tiền tệ tiếp tục được sử dụng như một biện pháp để kích thích kinh tế. Trong tháng 2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm một loạt các lãi suất điều hành, tăng tỷ giá tham chiếu, bơm mạnh tiền trên OMO. Cùng với PBoC, các nước khác như Nga, Thái Lan, Philippines, Indonesia... và mới đây là Mỹ, Úc, Malaysia, Canada cũng đã cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, sau làn sóng nới lỏng mạnh năm 2019, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều nên các Chính phủ có thể phải hướng đến các chính sách tài khóa như tăng chi tiêu chính phủ và giảm thuế. Thực tế, Chính phủ Singapore đã công bố gói ngân sách trị giá 4,6 tỷ USD; Chính phủ Nhật Bản chi 93,8 triệu USD, Malaysia miễn thuế TNCN cho lao động trong ngành du lịch; Hàn Quốc đang trình Quốc hội gói ngân sách bổ sung...
Một câu hỏi lớn là dịch bệnh sẽ còn lây lan đến mức nào khi mà nhiều nước vẫn còn chưa triệt để kiểm soát dịch bệnh. Kinh tế toàn cầu đang đứng trước rủi ro lớn và vì vậy thị trường tài chính tiền tệ sẽ tiếp tục tiềm ẩn những biến động khó lường.
Kinh tế Việt Nam cũng đang phải gồng mình khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang là tâm dịch. Sự suy giảm từ cả phía cầu lẫn phía cung đang tạo sức ép lớn đến tăng trưởng nhưng bài học từ cuộc khủng hoảng 2008 vẫn còn nóng hổi nên Chính phủ và NHNN vẫn nhấn mạnh việc điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.
Thực tế, kể từ tuần giáp Tết Nguyên đán đến nay, NHNN đã liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền khỏi lưu thông. Số dư tín phiếu đã lên tới 120 nghìn tỷ đồng – là mức cao nhất kể từ 7/2018 đến nay. Thông qua thị trường mở, NHNN đã hút ròng gần 95 nghìn tỷ đồng trong tháng 2, tương đương với lượng tiền VND đã bơm ra thị trường qua các giao dịch mua ngoại tệ trong tháng 1/2020.
Thanh khoản các NHTM trên liên ngân hàng vẫn khá dồi dào, lãi suất các kỳ hạn giảm mạnh trong tuần đầu và duy trì ở mức thấp trong cả tháng 2, chốt tháng ở mức 2,25%/năm với kỳ hạn qua đêm (giảm 0,83 điểm phần trăm) và 2,53%/năm với kỳ hạn 1 tuần (giảm 0,92 điểm phần trăm). Với định hướng hiện tại, lãi suất trên liên ngân hàng nhiều khả năng vẫn dao động ở vùng hiện tại trong tháng 3 này.
NHNN tập trung vào các giải pháp cụ thể như yêu cầu các NHTM không được tăng lãi suất; rà soát đánh giá để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, không chuyển nhóm nợ... với các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Nhiều NHTM như BIDV, VCB, HDBank, ABBank, ACB... đã triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hoặc giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5%/năm. Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2020 của Chính phủ ngày 3/3, Thủ tướng đã công bố sẽ tung ra gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng lãi suất thấp và gói hỗ trợ tài khóa (hoãn, giãn về tài chính) gần 30 nghìn tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất cho vay đã và sẽ giảm đáng kể trong khi đó lãi suất huy động hiện vẫn không có nhiều thay đổi. Lãi suất tiền gửi điều chỉnh giảm từ 10-30 điểm cơ bản ở một số ngân hàng (BID, VPB) ở cả kỳ hạn ngắn và dài hạn nhưng hầu hết vẫn giữ ổn định ở mức 4,1-5,0%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,2%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Với chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, kết hợp với khả năng giãn lộ trình đáp ứng các tỷ lệ an toàn, lãi suất tiền gửi có khả năng giảm trong những tháng tới.
Nguồn: