Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020 vào ngày 22/5.
Theo tài liệu gửi tới cổ đông, mặc dù dịch Covid-19 diễn ra trong quý 1 và tháng 4 khiến nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh song MSB vẫn giữ nguyên mục tiêu như đã đặt ra.
Tự tin với khả năng kiểm soát rủi ro và kế hoạch kinh doanh linh hoạt
Cụ thể, trong năm 2020 ngân hàng đặt mục tiêu vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu tăng 10% lên 99.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng (gồm dư nợ cho vay TCKT và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 20% lên 81.500 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 8% lên 170.000 tỷ đồng và kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Ngân hàng dự kiến tổng thu thuần mảng Ngân hàng bán lẻ (RB) tăng 40%, mảng ngân hàng doanh nghiệp (EB) tăng 44% và mảng Ngân hàng Định chế tài chính tăng 34%, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2019-2023 đạt trên 30%. Tổng thu nhập ngoài lãi của hai ngân hàng chuyên doanh RB và EB chiếm trên 30% tổng thu thuần. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019.
Trước đó trong quý 1 ngân hàng đã lãi trước thuế 290 tỷ đồng, đạt gần gấp 4 lần so với cùng kỳ 2019.
MSB cho biết kế hoạch lợi nhuận trên đã tính đến khoản lợi nhuận thu về từ việc bán cổ phần công ty con là Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM). MSB cho biết, cuối năm 2019, ngân hàng đã có các thương thảo nhằm thực hiện chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của FCCOM cho Công ty TNHH Hyundai Card và chuyển đổi hình thức pháp lý của FCCOM. Ngày 29/11/2019 FCCOM đã chính thức nộp hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần theo quy định.
Đẩy mạnh mua lại trái phiếu tại VAMC
MSB dự định sẽ sử dụng khoản lợi nhuận đến từ việc bán công ty con làm nguồn vốn trả nợ nốt một phần danh mục trái phiếu VAMC. Trước đó trong năm 2019 ngân hàng đã giảm được 54% quy mô danh mục trái phiếu VAMC, như vậy nếu kế hoạch thuận lợi trong năm nay thì MSB sẽ là ngân hàng tiếp theo sạch nợ tại VAMC trong năm nay.
Việc xử lý hết nợ xấu đã gửi VAMC đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ không phải trích lập dự phòng cho các khoản trái phiếu này, qua đó có thêm nguồn lực để kinh doanh và đầu tư vào các kế hoạch quan trọng góp phần gia tăng lợi nhuận trong các năm sau.
Trong năm 2019 vừa qua, MSB cũng là 1 trong 9 ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được Ngân hàng nhà nước phê duyệt áp dụng trước thời hạn Thông tư 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo chuẩn mực quốc tế Basel II.
Kể từ khi áp dụng theo chuẩn mực này, ngân hàng luôn duy trì mức hệ số an toàn vốn (CAR) cao hơn theo quy định (9%), trong đó kết quả cuối năm 2019 CAR đạt 10,25%. Việc đáp ứng Basel II sớm cũng là nền tảng để ngân hàng hi vọng có được những ưu tiên hơn trong chính sách của NHNN, chẳng hạn về tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Sẽ niêm yết khi thị trường có xu hướng tích cực
Hội đồng quản trị MSB cũng dự kiến trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT rút lại hồ sơ đăng ký niêm yết lần 1 tại HSX.
Theo lý giải của ngân hàng, trước tình hình dịch bệnh do virus corona lan rộng, thị trường chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận những phiên giảm điểm kỷ lục trong tháng 3/2020, giới đầu tư mất niềm tin vào khả năng chống chọi với đợt suy thoái này của các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến hiện trạng các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo giới thiệu/ kết nối đầu tư quốc tế hay các dự định tăng vốn đầu tư đều bị trì hoãn, các nhà đầu tư ngoại liên tục bán tháo trên thị trường niêm yết của Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, trong đó có các ngân hàng.
HĐQT MSB nhận thấy việc tiến hành hoàn thiện hồ sơ niêm yết trên HSX tại thời điểm này có thể dẫn đến giá khởi điểm cho cổ phiếu MSB khi giao dịch sẽ bị định giá ở mức thấp hơn giá trị nội tại và không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Nếu điều này xảy ra thì sẽ là tổn thất rất lớn cho các cổ đông.
Chính vì vậy, HĐQT MSB đề xuất với ĐHĐCĐ tạm hoãn các hoạt động xúc tiến cho việc niêm yết trên HSX cho đến khi các diễn biến thị trường chứng khoán và nền kinh tế thuận lợi hơn. MSB sẽ lựa chọn thời điểm khởi động lại quá trình nộp hồ sơ niêm yết vào thời điểm thuận lợi với tiêu chí cốt lõi là đảm bảo lợi ích cho toàn bộ cổ đông hiện tại cũng như cổ đông tiềm năng của ngân hàng.
Theo giới quan sát, nếu mục tiêu kinh doanh của MSB vừa trình cổ đông đạt được, cùng với việc dọn sạch nợ xấu tại VAMC và đã sớm hoàn thiện cả 3 trụ cột Basel II (vào tháng 3/2020) thì ngân hàng sẽ có bước đệm khá vững cho hoạt động kinh doanh các năm về sau. Đây cũng là cơ sở giúp ngân hàng thuận lợi hơn trong việc chọn lựa thời điểm niêm yết cổ phiếu trên sàn, tăng vị thế trong ngành cũng như thu hút nhiều hơn sự quan tâm của giới đầu tư trong nước và quốc tế.
Nguồn: