Nợ xấu tăng trở lại
Báo cáo tài chính quý III/2019 mới công bố cho thấy kết quả kinh doanh khá khả quan của các nhà băng khi lợi nhuận 9 tháng của phần lớn các thành viên đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chất lượng tín dụng tiếp tục là một vấn đề cần lưu ý khi các con số trên báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng như trên BCTC của các ngân hàng đều cho thấy nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại.
Cụ thể, khảo sát của BizLIVE tại 23 ngân hàng đã công bố BCTC quý III/2019 cho thấy, tính đến ngày 30/9/2019, tổng nợ xấu của 23 ngân hàng ở mức hơn 94 nghìn tỷ đồng, tăng tới 16,15% so với đầu năm.
Trong đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 9 cũng tăng 16,32% so với đầu năm, lên mức hơn 52,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,9% tổng nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm theo đó đã tăng lên 1,7%, so với mức 1,63% hồi đầu năm.
Trong đó, có tới 12/23 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong 9 tháng đầu năm, với mức tăng từ 0,05 đến 0,91 điểm phần trăm.
Còn theo con số của Ngân hàng Nhà nước trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, tính đến cuối tháng 8/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 1,98%, so với mức 1,89% hồi cuối năm 2018.
Nguồn lực đối ứng nợ xấu giảm ở nhiều nhà băng
Theo quy định, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu. Đây là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của tổ chức tín dụng không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết.
Dự phòng rủi ro được tính theo dư nợ gốc và hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tín dụng, bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung.
Trong đó, dự phòng chung là khoản dự phòng mà các ngân hàng phải trích với bất kỳ khoản tín dụng nào (trừ nợ nhóm 5), được tính bằng 0,75% tổng dư nợ được phân loại từ nhóm 1 đến nhóm 4.
Điều này có nghĩa, cứ cho vay 100 đồng, ngân hàng phải trích dự phòng chung 0,75 đồng. Dự phòng chung, do đó, thường chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số dư dự phòng, theo tổng dư nợ thay vì theo chỉ phần dư nợ quá hạn.
Trong khi đó, dự phòng cụ thể phải trích của từng khách hàng được tính bằng tổng số dư nợ gốc trừ giá trị khấu trừ của tài sản đảm bảo nhân tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể theo từng nhóm nợ. Trong đó, nợ nhóm 2 trích lập 5%, nhóm 3 là 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%.
Để đánh giá độ chủ động nguồn lực đối ứng nợ xấu của một nhà băng, người ta thường xét đến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLC).
Kết quả khảo sát tại 23 ngân hàng cho thấy, LLC ở nhiều ngân hàng ghi nhận giảm so với đầu năm, với LLC bình quân giảm từ 86,5% xuống còn 84,95%.
Trong đó, một số ngân hàng có LLC giảm mạnh bao gồm NamABank (giảm từ 98,4% xuống còn 53,7%), TPBank (giảm từ 103,3% xuống còn 80,1%), OCB (giảm từ 49,8% xuống 40,6%)…
Bên cạnh đó, có tới 6 ngân hàng (so với mức chỉ 4 thành viên hồi đầu năm) có tỷ lệ LLC ở dưới mức 50%.
Ở hướng ngược lại, một số ngân hàng có LLC tăng tốt và ở hiện ở mức trên 100%. Đặc biệt, trường hợp ngân hàng SCB, tỷ lệ LLC lên tới 217,7% tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tăng 3,1 điểm phần trăm so với đầu năm.
Vietcombank đang là ngân hàng có tỷ lệ LLC cao thứ hai trong nhóm khảo sát, đạt 185,2%, tiếp tục tăng so với mức 165,4% hồi đầu năm.
Một số ngân hàng khác cũng có LLC trên 100% bao gồm ACB ( đạt 158,9%), BacABank (127,2%), VietinBank (đạt 118) và tại MB là 102,7%.
Bên cạnh phản ánh nguồn lực đối ứng với nợ xấu, LLC cũng phản ánh nhất định khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng thương mại, hoặc mục đích riêng nào đó.
Theo quy định, khi trích lập dự phòng, ngân hàng được khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo của các khoản nợ. Có trường hợp khấu trừ tối đa để giảm bớt áp lực trích lập, nhưng có trường hợp lại gần như đánh tụt giá trị tài sản đảm bảo về gần 0 để gia tăng trích lập, mà phần này lẽ ra thể hiện trên lợi nhuận và mức độ đóng thuế cho ngân sách nhà nước.
Nguồn: