Một trong những mục tiêu hoạt động của CIC là giúp các ngân hàng ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Hiện tại, chưa có quy định pháp luật cụ thể cấm các ngân hàng không được cho vay đối với những khách hàng đã hoặc đang có nợ xấu hoặc vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, khẩu vị rủi ro của hầu hết các ngân hàng đều đưa ra quy định nội bộ là không đồng ý cho vay đối với những khách hàng đang có nợ xấu, nợ quá hạn hoặc đã có lịch sử phát sinh nợ xấu trong vòng 05 năm gần nhất theo kết quả tra cứu CIC.
Do đó, bên cạnh việc đáp ứng đủ những điều kiện để vay vốn như: nhu cầu sử dụng vốn hợp pháp, phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ thì lịch sử quan hệ tín dụng của khách hàng tại các ngân hàng (nếu có) cũng quyết định phần lớn khả năng khách hàng được ngân hàng đồng ý cho vay.
Theo quy định hiện hành, khi khách hàng vay vốn thì ngân hàng cho vay phải kịp thời cung cấp dữ liệu phát sinh cho CIC các chỉ tiêu thông tin tín dụng của khách hàng. Cụ thể, khi có khách hàng vay mới, ngân hàng phải cung cấp thông tin nhận dạng, thông tin hợp đồng tín dụng, thông tin tài chính năm của khách hàng vay là doanh nghiệp cho CIC trong vòng 03 ngày làm việc (Điểm a khoản 1 Điều 8, Thông tư số 03/2013/TT-NHNN).
Đồng thời, khi khách hàng đã có quan hệ vay mượn tại ngân hàng (đã có dư nợ vay) và có phát sinh thay đổi tối thiểu một chỉ tiêu trong nhóm thông tin nhận dạng hoặc thông tin hợp đồng tín dụng (ví dụ khách hàng bị chuyển nhóm nợ quá hạn, nợ xấu) thì trong vòng 03 ngày làm việc, ngân hàng cho vay cũng phải cung cấp dữ liệu cho CIC.
Trường hợp khách hàng bị phát sinh nợ xấu (thông tin tiêu cực về khách hàng vay) thì lịch sử nợ xấu của khách hàng sẽ được CIC lưu trữ tối đa 05 năm kể từ ngày trả hết dư nợ phát sinh (Khoản 1 Điều 11, Thông tư 03). Ngoài nợ xấu, khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, vi phạm pháp luật, bị khởi kiện, khởi tố và các thông tin bất lợi khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay (gọi chung là "thông tin tiêu cực về khách hàng vay" theo khoản 9 Điều 3, Thông tư 03) cũng sẽ được CIC lưu trữ tối đa 05 năm.
Thêm trường hợp khách hàng có quan hệ giao dịch với ngân hàng bị báo cáo về CIC
Ngoài việc phải cập nhật dữ liệu của khách hàng khi có phát sinh quan hệ tín dụng. Khi ngân hàng cung ứng Séc cho khách hàng và khách hàng ký phát tờ Séc nhưng tiền trong tài khoản không đủ để thanh toán trị giá Séc thì ngân hàng cũng phải báo cáo về CIC. Theo đó, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo cho người ký phát Séc về tờ Séc không đủ khả năng thanh toán, ngân hàng thông báo cho CIC thông tin Séc không đủ khả năng thanh toán. CIC sẽ cập nhật dữ liệu này và cung ứng dịch vụ tra cứu thông tin cho các ngân hàng có thể tra cứu khi phát hành Séc lần đầu cho khách hàng (Điểm a khoản 1 Điều 22 Thông tư số 22/2015/TT-NHNN).
Thêm trường hợp ngân hàng cần tra cứu CIC của khách hàng
Thông thường, chỉ những khách hàng có phát sinh quan hệ tín dụng với ngân hàng thì ngân hàng mới tra cứu CIC để có thêm cơ sở đưa ra quyết định cấp tín dụng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 12, Thông tư số 22/2015/TT-NHNN khi có nhu cầu sử dụng Séc, chủ tài khoản thanh toán hoặc người được ủy quyền lập đề nghị cung ứng Séc trắng và gửi đến ngân hàng mình mở tài khoản thanh toán. Ngân hàng sau khi tiếp nhận đề nghị có trách nhiệm kiểm tra điều kiện của người đề nghị cung cấp Séc.
Như vậy, Thông tư chỉ quy định điều kiện chung và giao cho ngân hàng tự đưa ra các điều kiện để đánh giá và cung ứng Séc cho khách hàng. Qua khảo sát, một số ngân hàng sẽ thực hiện tra cứu CIC của khách hàng để đánh giá mức độ uy tín về nghĩa vụ thanh toán trước khi quyết định cung ứng Séc cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện tại CIC lại chưa có sản phẩm dịch vụ để tra cứu phục vụ việc cung ứng Séc cho khách hàng.
Qua trao đổi với một ngân hàng có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh, khi khách hàng có nhu cầu sử dụng Séc, ngân hàng sẽ tra cứu sản phẩm hỏi tin tín dụng để đánh giá lịch sử tín dụng của khách hàng trước khi đưa ra quyết định cung ứng Séc. Về bản chất, việc này cũng có ý nghĩa trong đánh giá uy tín thanh toán của khách hàng. Bởi lẽ, khi đề nghị sử dụng Séc, khách hàng không bắt buộc phải duy trì số dư tài khoản thanh toán hoặc phong tỏa tài khoản trong suốt quá trình sử dụng Séc của ngân hàng. Do đó, việc đánh giá uy tín khách hàng thông qua lịch sử tín dụng được xem như bước đánh giá trung gian thông qua uy tín trả nợ vay trong quá khứ của khách hàng với các ngân hàng. Nhằm đảm bảo khách hàng sẽ đủ khả năng chi trả khi được ngân hàng cung ứng Séc.
Như vậy, những khách hàng có thông tin CIC tiêu cực sẽ gặp nhiều "khó khăn" hơn khi có nhu cầu sử dụng Séc của ngân hàng.
https://cafef.vn/them-truong-hop-khach-hang-se-bi-ngan-hang-bao-cao-du-lieu-cho-cic-2022032108525766.chnNguồn: