TS. Cấn Văn Lực: Bước giảm nhịp của tăng trưởng tín dụng là cần thiết

16/04/2024
Bước điều chỉnh lại trong nhịp tăng trưởng tín dụng năm 2019 được đánh giá là cần thiết sau những năm tăng trưởng nóng với mức tăng bình quân 15-16%/năm và tỷ lệ tín dụng/GDP đã lên đến 133% cuối 2018.


Mặc dù năm 2019 nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, rủi ro và bất ổn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tăng trưởng GDP đạt 7,02%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79%, thâm hụt ngân sách giảm về mức khoảng 3,5% GDP, tỷ lệ nợ công và nợ nước ngoài/GDP giảm dần, hoạt động xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài khả quan, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm nhẹ.

Trong bối cảnh đó, hệ thống ngân hàng được đánh giá vừa là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào thành công chung, vừa nhận được động lực để phát triển với nhiều kết quả nổi bật.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: "Cơ hội tăng tốc & bứt phá", do BizLIVE tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV dẫn lại số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết năm 2019, tín dụng toàn hệ thống tăng 13,7%, giảm nhẹ so với mức 13,89% năm 2018.

"Bước điều chỉnh lại trong nhịp tăng trưởng tín dụng năm 2019 được đánh giá là cần thiết sau những năm tăng trưởng nóng vừa qua với mức tăng bình quân 15-16%/năm và tỷ lệ tín dụng/GDP đã lên đến 133% cuối năm 2018, vốn là mức tương đối cao so với mức độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam", TS. Lực nói.

Cũng theo đánh giá của TS. Lực, trong thời gian qua, các yếu tố vĩ mô về tài khóa, tiền tệ đã và đang được củng cố, với những tấm đệm vững chắc hơn, được quốc tế ghi nhận.

Cụ thể, trong năm 2019, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung ổn định với xu hướng đi xuống là chủ yếu. Lãi suất cho vay cơ bản ổn định, lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ trong 10 tháng đầu năm và đồng loạt giảm nhẹ sau động thái hạ trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 11/2019.

Tỷ giá tiếp tục ổn định, giá trị đồng VND được nâng cao, đến cuối năm 2019, tỷ giá giao dịch gần như không thay đổi, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,45% so với đầu năm.

Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục (ở mức gần 80 tỷ USD vào cuối tháng 12/2019, tương đương khoảng 3,5 tháng nhập khẩu).

Khu vực tổ chức tín dụng cơ cấu lại tín dụng theo hướng tăng trưởng tín dụng tập trung vào các ngành sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và giảm tín dụng vào những ngành rủi ro.

Cũng theo đánh giá của chuyên gia, hệ thống tài chính hoạt động ngày càng lành mạnh, an toàn, chuẩn mực hơn và tiệm cận thông lệ quốc tế. Đến nay, đã có 18 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước công nhận đáp ứng chuẩn Basel II về tỷ lệ an toàn vốn. Kết quả xử lý nợ xấu tiếp tục khả quan, đặc biệt từ khi có sự ra đời của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc Hội.

Dù vậy, theo TS. Lực, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang phải đối diện với một loạt thách thức, rủi ro lớn.

"Xu hướng suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đáng kế đến kinh tế trong nước do Việt Nam là nước có độ mở lớn trên thế giới (tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tương đương 200% GDP). Do đó, hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ chịu rủi ro nhất định dưới tác động kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại", TS. Lực nói.

Cũng theo chuyên gia, hiện vẫn còn mất cân đối trong hệ thống tài chính Việt Nam khi khu vực tổ chức tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản hệ thống và đảm nhận cả vai trò chính trong cung ứng vốn cho nền kinh tế, tiềm ẩn rủi ro về kỳ hạn, thanh khoản và tín dụng (do quy mô tín dụng khá lớn và gần 50% nguồn vốn trung-dài hạn vẫn từ hệ thống tổ chức tín dụng).

Cuối cùng là việc các ngân hàng thương mại vẫn gặp khó khăn trong tăng vốn. Theo Ngân hàng Nhà nước, hệ số an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2019 đạt 12% giảm nhẹ so với mức 12,14% cuối năm 2018, trong đó CAR khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chỉ đạt 9,78% và của nhóm khối ngân hàng thương mại cổ phần là 10,81%.

"Từ đầu năm 2020, các ngân hàng thương mại cần tuân thủ Thông tư số 41 (2016) của Ngân hàng Nhà nước, khi hệ số CAR của các ngân hàng cần tính toán đầy đủ theo chuẩn Basel II, thì hệ số CAR sẽ thấp hơn khá nhiều.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong tăng vốn, đơn cử như trường hợp của VietinBank đã hết "room" để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, Agribank gặp khó khăn trong tăng vốn do chưa cổ phần hóa, Nhà nước chưa cho phép giữ lại cổ tức, điều này ảnh hưởng lớn tới khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng này", TS. Lực nói.


Nguồn: