Giá vàng tuần qua tăng tới 4,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020, với 4 phiên tăng giá và chỉ một phiên giảm, do nhu cầu mạnh mẽ.
Nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng, do xung đột ngày càng tăng ở Đông Âu, đang chi phối diễn biến giá vàng, trong khi các nhà đầu tư bỏ qua các dữ liệu kinh tế tích cực phát đi từ thị trường Mỹ.
Các nhà đầu tư quan tâm đến vàng không chỉ như một nơi trú ẩn an toàn ngắn hạn, mà bắt đầu lo ngại rằng căng thẳng sẽ làm gia tăng lạm phát, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, và có thể làm thay đổi kế hoạch nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Thông tin về việc nhà máy hạt nhân của Ukraine bùng cháy đang làm dấy lên lo ngại rằng xung đột giữa nước này với Nga đang trở nên nguy hiểm hơn.
Giá vàng giao ngay kết thúc tuần qua ở mức 1.965,97 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 4 đạt 1.966,6 USD/ounce, không còn xa mốc 2.000 USD.
Trong nước, giá vàng tuần qua cũng tăng mạnh, từ mức 65,7 triệu đồng/lượng cách đây một tuần, giá vàng kết thúc tuần qua ở mức 69,3 triệu đồng/lượng (tăng khoảng 5,5%, tốc độ tăng nhanh hơn so với giá vàng thế giới). Theo đó, Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua giá 67,75 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 69,3 triệu đồng/lượng (tăng 3,65 – 3,7 triệu đồng/lượng trong vòng một tuần); Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết, giá vàng mua vào 68 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 69,3 triệu đồng/lượng (tăng 3,45 - 3,55 triệu đồng/lượng).
Kết quả khảo sát hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy tất cả các nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát đều dự báo vàng sẽ tăng giá vào tuần 7-11/3. Phần lớn các nhà đầu tư bán lẻ cũng kỳ vọng giá sẽ tăng.
Vàng vừa là một hàng rào tuyệt vời chống lại áp lực lạm phát, vừa phản ứng nhanh chóng với sự bất ổn địa chính trị. Mức tăng gần đây của vàng dựa trên sự nhạy cảm của mặt hàng này đối với cả sự gia tăng lạm phát và khủng hoảng địa chính trị. Cụ thể hơn, trong trường hợp hiện tại, đó là sự kết hợp của hai sự kiện xảy ra đồng thời - tác động tổng hợp này của cả bất ổn địa chính trị và áp lực lạm phát hiện có cùng lúc làm gia tăng tầm ảnh hưởng của vàng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Giữa bối cảnh như vậy, nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo cho hay cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng cho giá kim loại quý này tăng cao hơn nữa.
Sean Lusk, đồng giám đốc bảo hiểm rủi ro thương mại của Walsh Trading, cho biết: "Nếu vàng không thể lên tới 2.000 USD trong môi trường có quá nhiều rủi ro và không chắc chắn như thế này, thì tôi không biết điều gì sẽ xảy ra". Theo ông, giá vàng sẽ cao hơn 10% so với giá kết thúc năm 2021. Trong môi trường hiện tại, tốc độ tăng đó sẽ tạo ra mục tiêu ban đầu là khoảng 2.010 USD/ounce.
Ông Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường của công ty giao dịch kim loại quý Kinesis Money cho rằng động thái tăng lãi suất của Fed đang giới hạn đà tăng tiềm năng của vàng cùng các kim loại quý khác. Điều đó có thể khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất tăng. Với suy nghĩ đó, ông Wright nhận định giá vàng có thể nhanh chóng tăng lên trên 2.000 USD/ounce nếu tình hình Ukraine diễn biến xấu hơn, hoặc giảm mạnh nếu có một số biện pháp giải quyết thực chất cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Song ông cho rằng kịch bản giảm này đang ngày càng ít khả năng thành hiện thực.
Tuần qua, 14 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát về triển vọng giá vàng của Kitco News, toàn bộ họ đều dự đoán giá vàng sẽ tăng trong thời gian tới.
Trong khi đó, 1.013 phiếu khảo sát đã được phát đi trên Phố Chính, trong đó 714 người được hỏi, tương đương 70%, dự báo giá vàng sẽ tăng; 166 người khác, tương đương 16%, dự báo giá giảm; và có 113 người, tương đương 13%, có ý kiến trung lập.
Kết quả khảo sát của Kitco về triển vong giá vàng tuần 7-11/3.
Các nhà phân tích đều lạc quan rằng giá vàng sẽ lấp đầy khoảng trống hơn 30 USD để sớm chạm 2.000 USD/ounce.
Adrian Day, chủ tịch công ty Adrian Day Asset Management, nói rằng ông cũng lạc quan về vàng trong thời gian tới, mặc dù thực tế là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục tăng lãi suất trong vòng chưa đầy hai tuần nữa. "Chừng nào cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp tục, thì vàng sẽ còn mạnh. Điều đó làm lu mờ các vấn đề tiền tệ vào thời điểm hiện tại", ông Adrian Day nói.
Dĩ nhiên, trong bất cứ tình huống nào thì vẫn có những yếu tố nằm ngoài dự đoán. Mặc dù giá vàng được đa số các nhà phân tích và thương gia dự báo sẽ tăng trong tuần 7-11/3, song nhìn chung mọi người đều có ý thức cẩn trọng với thị trường này.
Phillip Streible, người phụ trách mảng chiến lược thị trường của Blue Line Futures, cho biết các nhà đầu tư không nên đuổi theo thị trường theo hướng giá lên. "Với tất cả sự biến động này, bạn sẽ thấy một số cơ hội mua", ông nói, và thêm rằng với việc vàng quá nóng, các nhà đầu tư có thể nên xem xét bạc".
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đầu tuần qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông sẽ đề xuất tăng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm) nhằm chống lại lạm phát leo thang quá nhanh. Song ông cũng không bỏ qua khả năng Fed sẽ "mạnh tay" hơn trong trường hợp giá cả diễn biến khó lường.
Ông Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường thuộc công ty giao dịch kim loại quý Kinesis Money nói rằng động thái tăng lãi suất của Fed đang giới hạn đà tăng tiềm năng của vàng cùng các kim loại quý khác. Điều đó có thể khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất tăng.
Báo cáo hàng tháng về thị trường lao động Mỹ được công bố hôm 4/3 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có thêm 678.000 việc làm trong tháng Hai, nhiều hơn mức dự báo 440.000 việc làm của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 4% xuống 3,8%. Không chỉ số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp vượt ước tính thị trường mà tỷ lệ tham gia của lao động cũng tăng lên 62,3% - một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ "khỏe mạnh" hơn và có khả năng giúp hạ nhiệt lạm phát tiền lương.
Tham khảo: Kitco, Reuters
Nguồn: