Giảm lãi suất 0,5%-3%/năm
"Bấy lâu nay câu chuyện giãn nợ, giảm lãi thường dành cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nhưng nay dịch bệnh này rủi ro cho nhiều nhóm đối tượng. Và mức độ đến bây giờ chưa đánh giá được do đó Thông tư này có những vấn đề rất khó", ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước phát biểu tại Hội nghị.
Theo ước tính của Ngân hàng nhà nước (NHNN) có khoảng 11% dư nợ cho vay đang bị ảnh hưởng bởi dịch. Ngoài giảm lãi vay hiện đã có khoảng 30 ngân hàng thương mại giảm phí giao dịch, giảm phí chuyển tiền cho người dân, doanh nghiệp vừa để giảm gánh nặng chi phí, vừa để thúc đẩy giao dịch điện tử nhằm hạn chế những nguy cơ từ dịch bệnh.
Số liệu thống kê của Ngân hàng nhà nước cho biết, đã có 220.000 tỷ đồng vốn ưu đãi, trên 200 khách hàng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gần 5.000 người vay vốn đã được giảm lãi phí, tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh như xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản, sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra các ngân hàng thương mại đang xây dựng thêm chương trình cho vay mới với tổng giá trị khoảng 250.000 tỷ đồng. Trong buổi hội thảo, 20 ngân hàng tích cực nhất trong việc hỗ trợ tác hại của dịch bệnh cũng được NHNN biểu dương và đánh giá cao tại hội nghị.
Điểm đáng nói là nguồn vốn giá rẻ này đều do các ngân hàng thương mại tự cân đối nguồn, thay vì nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất như một số gói tín dụng ưu đãi trước kia. Hơn nữa không chỉ đối với các khoản giải ngân mới mà một số ngân hàng như Vietcombank, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam còn tính giảm lãi vay cho các khoản vay hiện hữu.
Một ví dụ cụ thể là Vietnam Airlines, từ khi bùng phát dịch, nhu cầu vận tải hàng không giảm xuống rõ rệt. Doanh nghiệp này đã được giảm ngay 1% lãi suất vay vốn từ đầu tháng 2.
"Đây là một phản ứng động thái chủ động trợ giúp khách hàng rất quan trọng. Trực tiếp giảm được 6 tỷ đồng cho Vietnam Airlines", ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines trả lời phỏng vấn VTV.
Còn với nhiều doanh nghiệp sản xuất khác thường xuyên phải nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong khi hoạt động xuất khẩu khó khăn thì việc giảm lãi suất đã giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí. Ông Pha Minh Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Pro-Sport cho biết, với những doanh nghiệp sản xuất nếu nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc vượt quá 50% thì chúng tôi sẽ được giảm lãi suất vay trung dài hạn là 1%.
Các doanh nghiệp cho rằng, với việc gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong khi tiền vay để mua sắm trang thiết bị vẫn phải vay và trả lãi cho ngân hàng. Với những chính sách như vậy sẽ giúp cho ngân hàng giảm áp lực tài chính trong giai đoạn hiện nay.
Tùy thuộc vào sức khỏe tài chính, mỗi ngân hàng sẽ có mức giảm cho vay khác nhau 0,5%-3%/năm hoặc không tính lãi phạt với những khoản vay chậm trả.
"Riêng đối với dư nợ của khách hàng hiện hữu thuộc các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp vào khoảng 30.000 tỷ đồng. Việc giảm lãi suất trực tiếp tác động đến lãi suất của Vietcombank, tuy nhiên đối với Vietcombank trong bối cảnh hiện nay việc quan trọng nhất là làm thế nào để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân để ổn định tình hình sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết.
Hiện đã có 5.000 khách hàng được trực tiếp giảm lãi vay. Các tổ chức tín dụng cho biết đang xem xét hồ sơ giảm lãi của khoảng 34.000 khách hàng nữa.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Liều thuốc dài hơi hơn được các ngân hàng đưa ra là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Dự thảo hướng dẫn chi tiết đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến.
Theo đó các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay với những khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi do chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 hoặc với khoản nợ quá hạn từ ngày 23/1 đến khi Thông tư được ban hành. Tổng thời gian cơ cấu nợ sẽ không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu tương đương 1 chu kỳ vay vốn. Và để được giữ nguyên nhóm nợ, khoản nợ đó phải có thời hạn trả nợ nằm trong khoảng thời gian từ 23/1 đến hết 90 ngày sau khi nhà nước công bố hết dịch.
Ngay trong Hội nghị, nhiều ngân hàng thương mại đưa ra ý kiến góp ý cho dự thảo. Dựa trên thực tế cho vay nhiều ngân hàng thương mại đều mong muốn NHNN sẽ bổ sung thêm hướng dẫn chi tiết về điều kiện tiêu chí xác định các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để các ngân hàng có thể cơ cấu nợ sớm cho các doanh nghiệp.
Theo quy định thông thường nếu đến kỳ doanh nghiệp không trả được nợ sẽ bị chuyển sang nợ quá hạn cần theo dõi đánh giá nợ xấu và khó có thể vay thêm vốn của các ngân hàng thương mại. Nhưng theo dự thảo mới, những doanh nghiệp này sẽ được xem xét cơ cấu nợ, giãn thời hạn trả nợ hoặc giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp có cơ hội vay thêm vốn để phục vụ sản xuất.
"Khi cơ cấu lại nợ thông thường theo quy định hiện nay phải chuyển nợ xấu nhóm 3. Và với quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi covid-19 sẽ được giữ nguyên nhóm nợ", ông Phan Thanh Hải, Trưởng khối ngân hàng bán buôn, Giám đốc ban khách hàng doanh nghiệp lớn, Ngân hàng BIDV cho biết.
Dự thảo Thông tư hiện đang yêu cầu các ngân hàng có quy định nội bộ để xác định thế nào là doanh nghiệp được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên các ngân hàng thương mại đều mong muốn có một khung tiêu chí chính thức để thực hiện thống nhất trên toàn hệ thống.
Việc cơ cấu nợ là cần thiết nhưng ít nhiều gây ra rủi ro nợ quá hạn với các ngân hàng thương mại. Vì vậy các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần có những tính toán cụ thể thậm chí đề ra ngoại lệ cho một số trường hợp đặc thù.
Tiếp thu ý kiến đóng góp, đại diện NHNN cho biết sẽ xây dựng Thông tư dựa trên báo cáo tác động đánh giá của Bộ công thương về mức độ nặng nhẹ của từng ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch để đưa ra khung tiêu chí cụ thể giúp các ngân hàng có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp. NHNN cũng cho biết đang lấy ý kiến của các Bộ ngành, các tổ chức tín dụng về dự thảo Thông tư và sẽ ban hành sớm nhất có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Nguồn: