Đối tượng cầm đầu ổ nhóm tội phạm này là Phạm Thu Diệu (SN 1991, HKTT ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa). Diệu sử dụng tên giả là Phạm Ngọc Diệp khi thực hiện hành vi phạm tội.
Cơ quan Công an làm việc với 3 đối tượng trong vụ án
Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội 3 Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu có thông tin về đường dây chuyên làm, sử dụng chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu giả để làm thủ tục mở thẻ tín dụng các ngân hàng rồi rút tiền, chiếm đoạt.
Các giấy tờ giả bị thu giữ
Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu chỉ đạo Đội 3 đã lập án đấu tranh.
Đầu mối đầu tiên các trinh sát nắm được là Đào Mỹ Linh (SN 1993, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội), lúc đó đối tượng sử dụng tên giả là Lê Quỳnh Trang để làm thủ tục tín chấp, vay tiền của một ngân hàng trên địa bàn. Linh là đối tượng có một tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị xử phạt 30 tháng tù giam nhưng đang được tại ngoại do nuôi con nhỏ. Trong thời gian này, Linh do cần tiền tiêu xài, trong khi bản thân lại đang là con nợ xấu của các ngân hàng, không thể làm thủ tục vay vốn nên đối tượng nảy ý định làm giả giấy tờ; biến mình thành người khác để vay tiền.
Thông qua Nguyễn Phú Đạt (SN 1995, trú tại thị xã Tam Điệp, Ninh Bình), Linh quen Diệu và đặt vấn đề làm giả các giấy tờ gồm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động ...; biến Linh thành một người khác để làm thủ tục vay tín chấp tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Từ thông tin ban đầu về Linh, Đội 3 đã tổ chức lực lượng theo sát, nắm bắt mọi biến động của Linh.
Vào hồi 11h30 ngày 20-5, Đội 3 đã bắt giữ các đối tượng gồm Đào Mỹ Linh; Nguyễn Phú Đạt và Phạm Thu Diệu, khi chuẩn bị sử dụng các giấy tờ giả để làm thủ tục vay vốn ngân hàng.
Bước đầu Diệu khai nhận: Trước đó, Diệu từng vay tiền bằng tín chấp nên Diệu biết rõ quy trình vay tiền của các ngân hàng cũng như những sơ hở trong công tác thẩm tra tài sản tại đây. Vì chỉ tiêu, một số nhân viên làm tín dụng đã bỏ qua quy định về thẩm định tài sản của ngân hàng, đây là kẽ hở để Diệu và các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Khách hàng của Diệu đều là con nợ xấu của các ngân hàng. Qua các mối quan hệ xã hội hoặc quen biết trên mạng xã hội, những người này chủ động tìm gặp Diệu đặt vấn đề làm giả giấy tờ. Sau khi trao đổi, Diệu thỏa thuận giá từ 1,2 đến 2,5 triệu đồng với hồ sơ chứng minh thu nhập gồm một xác nhận bảng lương và một bảng sao kê; 30-50 triệu đồng cho một hộ khẩu và chứng minh nhân dân giả...
Trong quá trình này, Diệu cam kết sẽ giúp khách hàng vay được từ 600-700 triệu đồng và thỏa thuận tỷ lệ ăn chia với họ. Theo đó, tùy thuộc vào số tiền vay được của các ngân hàng, Diệu sẽ được hưởng từ 8-10 % trên tổng số tiền vay được của khách. Với tên và địa chỉ giả như trên, các ngân hàng sẽ rất khó khăn trong việc xác định người vay tiền trong trường hợp phát sinh nợ xấu xảy ra.
Các khoản vay trong trường hợp này cũng sẽ rất khó được thu hồi do không xác định được địa chỉ và tên tuổi cụ thể của khách hàng. Hiện vụ án đang tiếp tục được Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra mở rộng. Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận đã giúp các khách hàng vay tín chấp và mở thẻ rút được số tiền khoảng 926.000.000đ để chiếm đoạt, chia nhau tiêu sài cá nhân.
Nguồn: