Ai đang sở hữu trái phiếu ngân hàng?

03/05/2024
40% trái phiếu ngân hàng phát hành được công ty chứng khoán mua vào nhưng phần lớn là mua hộ, "bình phong" cho chính các nhà băng.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán SSI (SSI), 8 tháng đầu năm, các ngân hàng phát hành hơn 56.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm một nửa tổng giá trị phát hành của thị trường.

Với tỷ lệ phát hành thành công lên tới 99,6%, ngoại trừ Seabank có hai lô không bán hết, 10 ngân hàng còn lại đều thành công. Những con số hàng chục nghìn tỷ phát hành với tỷ lệ gần như tuyệt đối cho thấy trái phiếu ngân hàng đang được thị trường đón nhận. Vậy ai đã "hấp thụ" số trái phiếu này?

Nguồn: HNX, SSI

Theo SSI, 40% trái phiếu ngân hàng phát hành (khoảng 22.900 tỷ đồng) được các công ty chứng khoán mua vào. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định người nắm giữ cuối cùng thực chất là ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính.

Công ty chứng khoán - 'bình phong' nắm giữ trái phiếu ngân hàng

Ông Trần Nhật Nam, một chuyên gia tài chính, người từng có kinh nghiệm tại các công ty chứng khoán khẳng định với VnExpress, công ty chứng khoán không bao giờ "ôm" trái phiếu ngân hàng. Chi phí vốn của họ luôn cao hơn mức lãi suất 6-7% của trái phiếu ngân hàng. Vì vậy mua trái phiếu ngân hàng để đầu tư không phải lựa chọn.

Nguồn: HNX, SSI

Nguồn: HNX, SSI

Hơn nữa, các công ty cũng không thể bán lẻ số 23.000 tỷ trái phiếu này cho đầu tư cá nhân. Với mức lãi suất từ 6-7% mà các ngân hàng chào bán, các nhà đầu tư cá nhân sẽ không bỏ tiền để nắm loại hình giấy tờ có giá này.

Theo tính toán của SSI, lãi suất và kỳ hạn bình quân của trái phiếu nhóm ngân hàng trong 8 tháng đầu năm là 6,75% một năm và 3,3 năm. "Huy động với lãi suất 13-14% để cho vay margin còn không đủ tiền thì tại sao họ lại đi mua trái phiếu với lãi suất thấp như thế?", ông Nam đặt câu hỏi.

Ông tạm chia các công ty chứng khoán thành hai nhóm. Thứ nhất, một nhóm chuyên mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp, sau đó chuyển giao lại cho ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính khác. Nhóm thứ hai mua trái phiếu của các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản và phát triển hạ tầng) và bán lẻ dần cho nhà đầu tư cá nhân.

Một chuyên gia chứng khoán lâu năm nhận định, các công ty chứng khoán chỉ là "bình phong" đứng ra mua hộ các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác. Các quy định đối với ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu (mua trực tiếp từ tổ chức phát hành) rất phức tạp, do liên quan đến thẩm định tín dụng. Trong khi đó, khi ngân hàng mua lại trái phiếu từ một tổ chức khác (thông qua trung gian), giao dịch này được xem là nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trên thị trường, không phải trải qua nhiều bước thẩm định tín dụng.

Chính vì vậy, khi ngân hàng thương mại mua trái phiếu lẫn nhau, họ không mua trực tiếp khi phát hành lần đầu, mà thực hiện thông qua trung gian thường là công ty chứng khoán. Sau khi công ty chứng khoán mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp, vào ngày hôm sau, ngân hàng sẽ mua lại từ công ty chứng khoán. Đó là "thao tác" thông thường của các ngân hàng thương mại khi muốn nắm trái phiếu của nhau, chuyên gia này cho hay.

Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, ngoài mua với mục đích bán lại cho ngân hàng hoặc tổ chức khác, có khả năng các công ty đầu tư trái phiếu để phân bổ rủi ro. Với quy mô margin (cho vay các nhà đầu tư trên thị trường) của các công ty chứng khoán khoảng 47.000 – 50.000 tỷ, các công ty này đủ sức bỏ tiền đầu tư vào trái phiếu. 

Trái phiếu doanh nghiệp đặc biệt lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam được xem là lĩnh vực trụ cột của lĩnh vực kinh tế, thị trường tài chính, chứng khoán. Theo ông Khánh, độ an toàn của ngân hàng ở Việt Nam cũng rất cao, chưa có ngân hàng nào phá sản. Hơn nữa, với tính thanh khoản cao, họ có thể cầm cố ngân hàng để vay tiền hoặc bán lại trên thị trường.

Một số nhân viên đang phải bỏ tiền túi mua trái phiếu ngân hàng phát hành.

Một số nhân viên đang phải bỏ tiền túi mua trái phiếu ngân hàng phát hành.

Nhân viên ngân hàng cũng phải 'ôm' trái phiếu

Thống kê của SSI với báo cáo tài chính bán niên 2019 của 18 ngân hàng niêm yết cho thấy, nửa đầu năm nay, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng thương mại nắm giữ tăng thêm tới 56.400 tỷ, con số khá tương đồng với lượng trái phiếu các nhà băng này đã phát hành. Hầu hết trái phiếu ngân hàng có lãi suất cố định và trả lãi hàng năm. Với mức lãi suất trung bình chỉ 6,72% một năm, tức là chỉ tương đương lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn – nhóm có lãi suất huy động thấp nhất. Như vậy, trái phiếu của các ngân hàng thương mại hầu hết không hấp dẫn với các nhà đầu tư thông thường.

Rất nhiều nhân viên của khối các ngân hàng quốc dân hay ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cùng chung một chia sẻ, khách hàng cá nhân không ai mua trái phiếu do ngân hàng phát hành. Chính vì thế mỗi đợt nhà băng phát hành trái phiếu và khoán chỉ tiêu cho từng nhân viên, họ đều mặc định bỏ tiền túi ra mua lại để hoàn thành KPI, sau đó vay cầm cố bằng chính số trái phiếu này để rút tiền về.

Nhân viên của một ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất nhì trong nhóm "Big 4" từng khẳng định: "Chúng tôi luôn luôn phát hành trái phiếu thành công". Đằng sau câu chuyện phát hành luôn luôn thành công đó là việc ngân hàng giao chỉ tiêu bổ đầu người cho từng nhân viên "san sẻ" trách nhiệm. Bằng cách này hay cách khác, nhân viên phải hoàn thành chỉ tiêu. Ngân hàng chào bán không hết, nhân viên mời gọi không ai mua, thì nhân viên cứ thế mà bỏ tiền túi ra mua lại.

Quỳnh Trang

Nguồn: