Áp dụng Basel II, các ngân hàng được hưởng lợi gì?

24/11/2024
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến nay, đã có 14 ngân hàng được NHNN phê duyệt áp dụng Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh nước ngoài hay còn gọi là Basel II.

Cụ thể, danh sách 14 ngân hàng đã về đích Basel II bao gồm: Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, ACB, VPBank, MB, Techcombank, MSB, HDBank, Shinhan Bank, Vietcapital Bank, SeABank và VietBank.

Basel II - Thẻ "kim bài" để được phép tăng trưởng tín dụng cho năm tới

Đạt chuẩn sớm về Basel II cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng này sẽ nhận được "phần thưởng" đó là cơ chế thoáng hơn về tăng trưởng tín dụng và không chỉ dừng lại ở đó.

Chủ trương này cũng được lãnh đạo NHNN khẳng định nhiều lần trước truyền thông, rằng NHNN sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ khuyến khích, trong đó có việc cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết các ngân hàng tuân thủ được thì từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống sẽ đảm bảo an toàn hoạt động, ổn định.

Trong năm 2019, thực hiện theo chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, với mức cao nhất là 13%. Đến cuối tháng 6, sau khi hoạt động bán niên kết thúc, nhiều ngân hàng đã có đề nghị với NHNN cho nới room tín dụng. Và thực hiện đúng như cam kết, NHNN đã cấp thêm quota tăng trưởng cho các ngân hàng đạt chuẩn Basel II sớm từ mức 13% lên 17%.

Nhờ được "trao quà", các ngân hàng có thêm dư địa phát triển và mang về lợi nhuận cao hơn, bởi lẽ trong bối cảnh đa phần lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn đến từ tín dụng, việc đợi mở rộng tăng trưởng tín dụng đồng nghĩa với việc các khoản thu nhập từ lãi cho vay sẽ cao hơn.

Thực tế cho thấy trong 9 tháng đầu năm, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy lợi nhuận của những nhà băng đạt chuẩn Basel II sớm đều dẫn đầu toàn ngành với những tên tuổi như Vietcombank, Techcombank, VPBank, MBBank, ACB, OCB, TPBank, HDBank…

Basel II – Rào chắn rủi ro cho các ngân hàng

Hiện Basel II là thông lệ tốt nhất trong quản trị rủi ro của ngân hàng tại Việt Nam. Ngay trong giai đoạn chuẩn bị, triển khai dự án Basel II, trước hết đòi hỏi các ngân hàng phải có thông tin đầy đủ và dữ liệu "sạch".

Vì nếu không có dữ liệu và thông tin đầy đủ thì không thể có được chính xác hiện trạng của ngân hàng. Sau khi có dữ liệu thông tin đầy đủ và chuẩn mực sẽ được đưa vào hệ thống tiêu chuẩn, đo lường quản trị rủi ro khác nhau như: Rủi ro về thanh khoản, rủi ro tài chính, rủi ro thị trường, rủi ro khoản vay... Tất cả những yếu tố này sẽ được Ngân hàng đo lường và lượng hóa được.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB, khi áp dụng các chuẩn mực Basel II, lúc này, ngân hàng không chỉ đo lường được rủi ro đơn lẻ của một khoản vay, một giao dịch, một khoản đầu tư mà có thể đánh giá, đo lường được rủi ro của từng danh mục, của từng phân khúc hay tất cả các giao dịch.

"Điều đó có nghĩa, ngân hàng có thể tạo được rào chắn sẵn sàng trước những rủi ro thực sự; bước vào khu vực an toàn trong quản trị rủi ro và xác suất rủi ro xảy ra có thể thấp hơn. Việc ngân hàng quản lý rủi ro không chỉ đến cá biệt từ những khoản vay mà có thể nhìn thấy được tổng thể từng doanh mục, phân khúc mà ngân hàng kinh doanh".

Mặt khác, vì ngân hàng khi áp dụng chuẩn mực quốc tế, có dữ liệu sạch, có hệ thống chuẩn mực rủi ro nên có thể đánh giá được cả hai chiều. Chiều thứ nhất là khu vực đó có an toàn hay không. Thứ hai là khi đã nhìn thấy trước được những rủi ro trong kinh doanh, ngân hàng có thể lượng hóa, phân tích được rủi ro đó có xứng đáng với kết quả kinh doanh mang lại hay không. Nói cách khác là tối ưu hóa kết quả trên rủi ro.

Áp dụng chuẩn Basel II các ngân hàng hưởng "trái ngọt"

Là một ngân hàng chủ động áp dụng Basel II, đến cuối năm 2017, ngân hàng OCB chính thức được NHNN công nhận đã hoàn tất Basel II. Và nếu theo dõi tình hình kinh của OCB có thể thấy điều đó, năm sau luôn cao hơn năm trước. 

Áp dụng Basel II, các ngân hàng được hưởng lợi gì? - Ảnh 1.

OCB luôn nằm trong Top các ngân hàng có mức tăng trưởng ổn định. Cụ thể năm 2017, lợi nhuận trước thuế của OCB cả năm đạt tăng trưởng so với 2016 tới  111%, ở mức 1.022 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối 2018, lợi nhuận trước thuế của OCB tiếp tục tăng trưởng vượt trội, ghi nhận 2.202 tỷ đồng, gấp  2,2 lần so với kết quả của năm trước.

Hoặc mới đây nhất, kết quả quý 3 và 9 tháng hầu hết tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Riêng quý 3 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 51,6% so với cùng kỳ, đạt 825 tỷ đồng (riêng ngân hàng mẹ lãi 824 tỷ), và luỹ kế 9 tháng đạt 1.942 tỷ đồng, cao hơn 15,3% so với 9 tháng đầu năm 2018.

Với việc sớm triển khai Basel II, OCB khẳng định được vị thế, sự uy tín của mình trên thị trường, từ đó tạo sự thu hút đối với khách hàng. Hiện CAR của OCB tính đến tháng 9/2019 là 11,43%, cao hơn nhiều so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tốc độ tăng trưởng về tổng tài sản, tốc độ tăng trưởng kinh doanh của OCB những năm gần đây cho thấy điều đó. Có thể, nếu nói về quy mô, OCB chưa phải là ngân hàng có quy mô hàng đầu, nhưng về chất lượng tổng tài sản và chất lượng kinh doanh thì OCB luôn là ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng từ 30-37% từ năm 2017 đến nay.

Trong khi, nợ xấu của OCB kiểm soát ở mức thấp. Đồng thời, OCB cũng dành khoản dự phòng lớn để trích lập dự phòng, tất toán hết trái phiếu của VAMC từ năm 2018.

"Việc áp chuẩn Basel II không chỉ tạo điều kiện cho OCB trong phát triển tín dụng mà quan trọng hơn đó chính là kiểm soát được chất lượng tín dụng, rủi ro... Vì vậy, sau khi hoàn tất Basel II cuối năm 2017, nhưng OCB không dừng lại ở đó mà Ngân hàng tiếp tục triển khai, nâng cấp để có thể tiến tới áp chuẩn Basel II nâng cao rồi đến Basel III trong tương lai, tất nhiên để thực hiện được vấn đề này vẫn còn dài" – Tổng giám đốc OCB nhấn mạnh.

Từ năm 2013, Ngân hàng OCB đã bắt đầu tạo các nền tảng cho Basel; chọn các đối tác lớn, nhiều kinh nghiệm hỗ trợ trong giai đoạn chuẩn bị và triển khai cho Basel II: BNP Paripas, KPMG, DBS Singapore, Raffles Việt Nam và các đối tác CNTT như Temenos Thụy sĩ, IBM, Oracle. Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Công ty Raffles Việt Nam - đối tác tư vấn cho biết, trong bối cảnh nhiều ngân hàng còn đang trong giai đoạn xây dựng năng lực Basel II, OCB đã đi một bước rất dài là ứng dụng Basel II vào quản lý rủi ro và kinh doanh. Đây là một thành tựu rất lớn không chỉ cho OCB mà cho ngành ngân hàng Việt Nam.

Nguồn: