Áp trần sở hữu khối ngoại tại fintech thanh toán 49% có vi phạm các cam kết quốc tế?

12/01/2025
Xung quanh đề xuất của NHNN về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại các fintech thanh toán dưới 49% vẫn còn nhiều tranh cãi...

Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Nghị định về thanh toán không tiền mặt sáng nay (11/12), nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán là không phù hợp.

Cụ thể, theo dự thảo, NHNN dự kiến hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán ở mức 49% nhằm ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, mặc dù thương mại điện tử phát triển nhanh gần đây, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong những năm nay lại không tăng. Ông cho rằng, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần thiết phải có vốn đầu tư nước ngoài, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn trong nước chưa sẵn sàng.

Đồng quan điểm, ông Nishikawa, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (Ví điện tử Payoo), đại diện cho nhà đầu tư NTT (Nhật Bản), các nhà đầu tư nước ngoài có sự đóng góp lớn không chỉ vì về vốn đầu tư mà cả công nghệ, tri thức để phát triển, do đó Ngân hàng nhà nước cần cân nhắc về quy định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), bình luận hiện nay trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% hoạt động và giá trị của fintech, nên hạn chế đầu tư sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực fintech.

Phía VAFI lưu ý về các cam kết gần đây của Việt Nam (trong đó có CTTPP) về mở cửa thị trường tài chính, ngân hàng. Theo đó, việc hạn chế đầu tư có thể dẫn đến các hệ lụy như Chính phủ bị kiện ISDS đầu tư.

Mặc dù cơ quan soạn thảo cho rằng "trung gian thanh toán" không được thể hiện trong các lĩnh vực cam kết, tuy nhiên đây chỉ là một khái niệm pháp lý riêng của Việt Nam, còn về bản chất hoạt động này đã được bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là dịch vụ thanh toán. Nếu chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng quy định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài đầu tư, chứ không thuộc về phía Việt Nam. Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực.

Phản hồi những ý kiến trên, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN nhấn mạnh, NHNN đã tham khảo và cân nhắc khá kỹ về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Ông Dũng cho biết, tỷ lệ 49% phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo quyền lợi của các bên, đồng thời thể hiện chủ quyền và quyền quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Cụ thể, theo đại diện NHNN, trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, tại mục B. Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác, Việt Nam có cam kết như sau: Đối với phương thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (mode 1): cam kết đối với dịch vụ B(k) cung cấp và chuyển thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính cũng như các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác.

Đối với phương thức cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hiện diện thương mại (mode 3) VN đã cam kết đối với 11 phân ngành dịch vụ trong lĩnh vực này, trong đó có dịch vụ B(d) mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng.

NHNN cho hay, qua đối chiếu quy định trong nước và các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định WTO, CPTPP, NHNN nhận thấy khái niệm và phạm vi trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật trong nước không thuộc phạm vi cam kết mở cửa của Việt Nam tại Hiệp định WTO và Hiệp định CPTPP.

Do vậy các quy định pháp luật để quản lý dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đưa vào dự thảo Nghị định không thuộc phạm vi cam kết và không chịu ràng buộc bởi các cam kết quốc tế đã dẫn ở trên.

Nguồn: