Room tín dụng cao nhất 12%/năm
Như DĐDN đã đưa tin, NHNN cho biết theo kiến nghị của các TCTD, NHNN đang tiến hành xem xét và đánh giá, trên cơ sở đó sẽ cấp thêm "room" tín dụng cho các ngân hàng đã cạn "room". Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng TCTD, để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt.
Được biết trong năm nay, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng đến các TCTD trong hệ thống. Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp "room" mức 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5%.
Đặc biệt, tuy là ngân hàng TMCP nhưng bộ ba MB, VPBank, Techcombank được cấp chỉ tiêu tín dụng khá cao là 10,5-12%. Vậy 03 ngân hàng này làm ăn ra sao mà lại được NHNN ưu ái về room tín dụng?
Báo cáo tài chính cho thấy, thu nhập lãi ròng của MBB trong quý I tăng 27% và đạt 6,0 nghìn tỷ đồng. Điều này được hỗ trợ chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong quý 8,4% so với đầu năm hay tăng 25 nghìn tỷ đồng. Theo đó, NIM tăng 16 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 5,01%. Tăng trưởng cho vay mạnh hơn so với ước tính của các nhà phân tích SSI Research và vượt các ngân hàng cùng hệ thống (3%-4%).
Mới đây, NHNN chấp thuận cho MB được tăng vốn điều lệ lần 1 theo đề xuất của ngân hàng, thêm tối đa hơn 9.795 tỷ đồng theo phương án đã được đại hội cổ đông thông qua. Với nguồn lợi nhuận để lại của năm 2020 và các năm trước, MB sẽ trích ra 9.795 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu.
Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, ngân hàng đang hoàn tất các thủ tục và sẽ thực hiện chi trả cổ tức trong quý 3. Được biết, sau khi trả cổ tức, MB sẽ thực hiện tiếp lần tăng vốn thứ 2 với khoảng 700 tỷ đồng thông qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội Viettel (thêm tối đa 43 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu)…Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MBB tăng liên tục trong thời gian qua, từ mức 18.000 đồng tại thời điểm năm 2020, tăng lên trên 40.550 đồng/cổ phiếu.
Techcombank cũng là ngân hàng cũng được cấp tín dụng khá cao. Ông Jens Lottner – Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận mỗi năm khoảng 23-25% . Nếu như Techcombak duy trì đà tăng trưởng như hiện nay thì sẽ đạt được vốn hóa 20 tỷ USD. "Đây là tính toán khá cơ bản, dựa trên tỷ lệ P/E hiện tại thì trong 5 năm tới, Techcombank hoàn toàn có thể đạt được vốn hóa 20 tỷ USD".
Ông Hồ Hùng Anh-Chủ tịch HĐQT Techcombank chia sẻ, ngân hàng có thể tăng trưởng lợi nhuận cao hơn mục tiêu đã trình cổ đông 19.800 tỷ đồng nếu được tăng trưởng tín dụng cao hơn mức NHNN giao hiện nay. Techcombank được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 12%. Do đó, mức tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch 25,3% trong năm 2021 là trên quan điểm thận trọng dựa theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12%... Cổ phiếu TCB cũng đã có mức tăng trưởng ấn tượng.
Ngân hàng TMCP thứ 3 là VPBank. Tính đến hết quý 1/2021, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 436 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với cuối năm 2020. Tín dụng ngân hàng hợp nhất tại 31/3/2021 đạt hơn 332 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với cuối năm 2020; trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng 3,6%.
Với kết quả này, các chỉ số hiệu quả của VPBank tại ngày 31/3/2021 tiếp tục được nâng cao và đứng ở top đầu thị trường, với ROA và ROE tương ứng đạt 3% và 23,5% (mức cuối năm 2020 là 2,6% và 22%).
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vừa qua, VPBank cho biết cuối năm 2021 sẽ tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo quy định hiện hành, giới hạn sở hữu nước ngoài tối đa của một ngân hàng Việt Nam là 30%, còn của VPBank (trước khi giảm room) là 23%. Điều này giải thích tại sao ngân hàng này quyết định đưa room ngoại về 15%, nhằm dư ra 15% để bán cho đối tác chiến lược.
Kể từ khi công bố thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật, cổ phiếu VPB đã cán mốc 66.500 đồng/ cổ phiếu với khối lượng tăng đột biến, gấp 5-6 lần trước đó, trong đó có nhiều phiên có giá trị trên 2.000 tỷ đồng, chiếm tới 12% tổng thanh khoản của VN-Index.
Sẽ cấp room tín dụng theo hệ số CAR
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, bất chấp đại dịch COVID-19, khối ngân hàng tư nhân nói chung và 03 ngân hàng nói riêng MB, Techcombank và VPBank vẫn tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Đây chính là nguyên nhân khiến NHNN cấp room tín dụng cao nhất cho bộ ba ngân hàng cổ phần.
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng những quý đầu năm thường thấp hơn so với các tháng cuối năm. Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng tín dụng trong năm nay cũng không nằm ngoài quy luật này. Năm 2020, tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng tăng trưởng cao trên 20% như Techcombank (tăng 23,3%), thì cũng có những TCTD tăng chưa đến 10%, như VietBank (tăng 9,5%), PG Bank (tăng 8,3%), Saigonbank (tăng 6,1%)...
Năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12% và sẽ được phân bổ hạn mức cụ thể xuống từng nhà băng, tùy vào năng lực hoạt động. Nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia, NHNN nên cân nhắc giữa việc cấp "room" tín dụng theo quí, thay vào đó cần quản lý theo hệ số an toàn vốn (CAR) thì hoạt động của các nhà băng sẽ hiệu quả hơn. Như vậy những ngân hàng có CAR an toàn sẽ không phải xin room tín dụng hàng năm nữa. Do vậy MB, VPBank, Techcombank 03 ngân hàng tư nhân hoàn toàn có thế có chỉ tiêu room tín dụng hàng năm, thay vì phải xét room hiện nay trong thời gian tới...
Nguồn: