Ba nguyên do doanh nghiệp khó vay vốn, cần khoanh nợ không tính lãi

22/11/2024
Đầu mối đại diện các TCTD nêu ba nguyên do chính khiến khả năng tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp khó khăn, cùng hướng giải pháp đề xuất.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong đó nêu những khó khăn của chính các tổ chức tín dụng (TCTD) trước tác động của COVID-19 .

Theo VNBA, mặc dù các TCTD đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, cho vay mới để hỗ trợ các doanh nghiệp, song hai bên đang trở nên khó gặp nhau. Và dù Ngân hàng Nhà nước cũng đã ba lần điều chỉnh thông tư liên quan để tạo điều kiện.

BA NGUYÊN DO CHÍNH

Nguyên do, cả hai bên đang đứng trên nền yếu, việc đáp ứng các điều kiện cho vay ngày càng yếu đi trong khi quy định và nguyên tắc không thể "yếu" theo - điểm mang tính pháp lý.

"Sau khi khống chế, kiểm soát được dịch bệnh các doanh nghiệp cần vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh song nguồn lực của các TCTD có hạn, thậm chí cạn kiệt dẫn đến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng sẽ hết sức khó khăn", văn bản của VNBA đặt vấn đề, và lý giải bởi ba nguyên do chính.

Thứ nhất, bản chất các doanh nghiệp này đã được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thực chất khoản nợ đó là nợ tiềm ẩn rủi ro nhưng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, do đó khi ngân hàng cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh trên nền tảng nợ tiềm ẩn rủi ro, vì vậy các ngân hàng sẽ rất thận trọng khi xem xét cho vay mới.

Thứ hai, cả thời gian dài các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng sản xuất, nguồn thu sụt giảm, có thể không có nguồn thu trong khi các chi phí khác tối thiểu để duy trì doanh nghiệp vẫn phải chi dẫn đến nguồn lực cạn kiệt, lúc này khó đáp ứng được điều kiện các TCTD đưa ra như kinh doanh có lãi, có tài sản đảm bảo… và như vậy doanh nghiệp sẽ rất khó khăn khi vay vốn ngân hàng để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, các nguyên tắc điều kiện cho khách hàng chịu ảnh hưởng COVID-19 vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh, các TCTD vẫn phải tuân thủ theo quy định hiện hành (không có đặc thù) dẫn đến nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp…

Vậy, làm sao để các doanh nghiệp và ngân hàng dễ gặp nhau hơn trong kết nối tín dụng?

KHOANH NỢ KHÔNG TÍNH LÃI?

Trước hết, VNBA cho rằng, các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 song vẫn chia sẻ, hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch bằng cách tiết giảm chi phí, giảm lương, thưởng để miễn giảm lãi, phí... cho khách hàng.

"Vì vậy các TCTD cũng rất cần được chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành để có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân", VNBA đề nghị.

Về các hướng giải pháp cụ thể, đầu mối đại diện cho các TCTD nêu loạt kiến nghị trong hoàn thiện khuôn khổ chính sách trong xử lý nợ, tạo điều kiện tự chủ hơn cho các ngân hàng, thúc đẩy các lĩnh vực hoạt động mới như ngân hàng số bằng sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý…

Nhưng đáng chú ý nhất, VNBA kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành nghị định về khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tương tự như Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP.

"Có như vậy mới hỗ trợ được doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng sau khi kiểm soát được dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh", VNBA kết luận.

Ở điểm đề xuất trên, tương tự Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ý của VNBA là có quy định cho phép các TCTD được khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị ảnh hưởng.

Bởi thực tế trong Nghị định 55 có điều khoản nêu rõ, trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép TCTD được thực hiện khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa 02 (hai) năm và các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ.

Đặc biệt, số tiền lãi TCTD không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng.

Tuy nhiên, những quy định trên của Nghị định 55 chỉ có phạm vi áp dụng cho tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Còn nay, chịu tác động bởi COVID-19, cũng là trường hợp thiên tai và dịch bệnh xẩy ra trên diện rộng, nên VNBA mới nhìn đến và đề xuất hướng giải pháp khoanh nợ không tính lãi nói trên.

Nguồn: