Trước tình hình dịch Covid 19 diễn biến ngày càng phức tạp, các ngân hàng cũng đang "thấm dần" từ sự tác động tiêu cực của dịch bệnh lên cả nền kinh tế. Phương án cho nhân viên nghỉ luân phiên cũng đã được nhiều ngân hàng triển khai. Nhưng điều nhiều banker lăn tăn là không biết nên làm gì trong thời gian nghỉ luân phiên kéo dài và không biết khi nào kết thúc? Tạm gác lại những lo lắng trong mùa dịch, tác giả xin chia sẻ những điều mà banker có thể tận dụng để thực hiện trong thời gian phải nghỉ luân phiên như sau:
Một là, banker cần xác định rõ nghỉ luân phiên không có nghĩa là dừng mọi công việc bán hàng. Banker hoàn toàn có thể khai thác có hiệu quả các kênh bán hàng online, telesale. Thậm chí banker cũng có thể bán hàng offline theo kiểu "truyền thống nhất" trong thời gian cách ly là ...gửi thư bán hàng đến tận nhà khách hàng. Thời điểm này, bưu tín vẫn hoạt động bình thường, thậm chí là hoạt động với công suất cao. Vì vậy, banker hoàn toàn có thể khai thác để bán hàng. Ví dụ: để tư vấn một hợp đồng bảo hiểm từ xa (qua điện thoại chẳng hạn), nhưng trên tay khách hàng không có bảng minh họa thì rất khó để hình dung; thậm chí, trong trường hợp bạn bán hàng qua mail, khách hàng vẫn có tâm lý tò mò và thích cầm đọc một văn bản giấy hơn là file mềm trên máy tính.
Hai là, thời gian nghỉ luân phiên ở nhà cũng là thời gian vàng để bạn có thể gọi điện chăm sóc, hỏi thăm tình hình kinh doanh, sức khỏe,...của khách hàng. Công tác chăm sóc khách hàng sau bán hàng hầu như banker nào cũng thuộc lòng từ khi mới vào ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, banker không có nhiều thời gian để có thể gọi điện hỏi thăm, tâm sự và chia sẻ cùng khách hàng (vì hầu hết các cuộc gọi trong giờ làm việc đều liên quan đến công việc nhiều hơn). Vì vậy, nếu banker biết tận dụng thời gian nghỉ luân phiên dài để gọi điện chăm sóc khách hàng là điều vô cùng ý nghĩa. Nếu là khách hàng, bạn sẽ nghĩ sao trong thời điểm khó khăn, mua bán chật vật...nhận được một cuộc gọi động viên và chia sẻ ấm lòng đến thế chứ không phải chỉ gọi điện khi cần bán hàng hoặc nhắc nợ?
Ba là, trong thời gian nghỉ luân phiên, banker nên hệ thống lại quy trình nghiệp vụ, sản phẩm để nắm chi tiết và sâu hơn. Vì trên thực tế, không ít sale ngân hàng chẳng hiểu hết chính sản phẩm mà mình đang chào bán cho khách hàng. Ví dụ: khi tư vấn bán bảo hiểm, nhiều banker không nắm quy tắc bảo hiểm đối với sản phẩm đó; không nắm các chế định pháp lý liên quan về pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Hoặc tư vấn về cho vay, gửi tiết kiệm...nhưng không nắm sản phẩm tín dụng, quy chế cho vay, không nắm quy chế gửi tiết kiệm,… Vì hàng ngày, một bộ phận không nhỏ sale ngân hàng hình như không có nhiều thời gian (hoặc không muốn dành thời gian) để đọc quy trình nghiệp vụ và sản phẩm. Một khi banker bán hàng mà không biết rõ về sản phẩm mình đang bán, thì không thể cải thiện doanh số bán hàng được. Vì vậy, thay vì hoang mang, lo lắng, sợ này, sợ kia (sợ bị trừ lương do hết phép; sợ bị giảm lương, thưởng…) thì banker nên tập trung đào sâu sản phẩm để sẵn sàng tiên phong dẫn đầu trên mặt trận bán hàng ngay khi hết dịch và nền kinh tế khởi sắc hơn.
Bốn là, banker cần dành một phần lớn thời gian quý báu này để gần gũi, chăm sóc con cái, làm việc nhà – những điều hết sức xa xỉ khi mà chưa có dịch Covid 19. Đây là sự cân bằng cần thiết sau thời gian quá dài, hầu hết banker đã dành thời gian ở ngân hàng nhiều hơn ở nhà. Những giá trị nền tảng, giá trị tinh thần, mối quan hệ các thành viên trong gia đình...dường như xao nhãng nhiều đối với các gia đình banker. Nhớ trước đây, nhiều banker vẫn thầm ao ước có thời gian ở gần con cái, có thời gian để nấu một bữa cơm chiều cho gia đình, có thời gian...để làm nhiều thứ khác vun vén cho tổ ấm của mình. Thì giờ đây, há chẳng phải đây là thời điểm vàng son để các ông bố/bà mẹ banker thỏa nguyện ước mơ của mình là để có thời gian để chăm sóc gia đình?
Năm là, thời gian nghỉ luân phiên là thời gian tuyệt vời để các banker tập luyện thể dục, thể thao tại nhà hoặc theo đuổi các đam mê của mình. Ví dụ như đọc sách luôn là điều xa xỉ với banker trong thời gian chưa có dịch. Ai cũng biết sách là kho tàng vô tận, nhưng thật sự có mấy banker có đủ thời gian và quyết tâm để đọc hết các quyển sách mình yêu thích? Nhiều banker có thể hoàn thành xuất sắc KPI tại ngân hàng mỗi năm, nhưng rất ít baker có thể hoàn thành chỉ tiêu đọc vài chục quyển sách mỗi năm. Đọc sách không phải là con đường duy nhất để thành công. Từ lý thuyết và thực tiễn hoàn toàn khác biệt, nhưng nếu biết chọn sách và biết vận dụng sáng tạo các kiến thức từ sách, banker sẽ rút ngắn khá nhiều thời gian để đi đến thành công trong công tác bán hàng. Thị trường sách online thời điểm này vẫn mênh mông, lựa chọn quyển sách nào là tùy vào thị hiếu và mục đích đọc sách của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn chọn đọc các sách về kỹ năng bán hàng, tư duy tích cực, đắc nhân tâm, Trên đường băng, Cà phê cùng Tony, Nghĩ lớn để thành công, Sức mạnh của tư duy tích cực, Đường xưa mây trắng,...hay thậm chí các bộ sách văn học kinh điển như Tam quốc diễn nghĩa, Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ, Cuốn theo chiều gió… bạn sẽ thấy lạc quan và có khát vọng hơn.
Sáu là, banker nên tranh thủ thời gian nghỉ luân phiên ở nhà để hoạch định lại kế hoạch bán hàng cho tuần tới, tháng tới, quý tới...để là người thích ứng và đón đầu thị trường sau khi hết dịch. Bởi vì những kế hoạch của bạn xây dựng từ đầu năm đã hoàn toàn khác hẳn vào thời điểm hiện tại. Khi mà bán hàng online lên ngôi, nhiều ngành nghề ngật ngưỡng, bạn cũng cần có một chiến lược bán hàng cho riêng mình. Cụ thể: bạn phải định vị lại hệ khách hàng của bạn trong và sau mùa dịch là những ai. Vì hệ khách hàng mà bạn đã xây dựng trước mùa dịch đã không còn phù hợp. Nếu banker cứ đong đưa, nằm chờ tới đâu hay tới đó thì chắc chắn bạn sẽ đuối sức trên đường đua bán hàng. Vì sau khi hết dịch, khi đối thủ đã bắt tay ra trận, bạn vẫn còn dùng dằng...không biết bán cho ai.
Bảy là, trong thời gian nghỉ luân phiên, banker nên xem lại và đánh giá lại nhật ký tác nghiệp, các nội dung công việc đã triển khai trong 3 tháng đầu năm 2020. Từ đó, mỗi banker sẽ biết được cái nào làm tốt, cái nào chưa tốt để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay. Trên thực tế, bên cạnh một số sale ngân hàng có nhật ký tác nghiệp, nhiều banker vẫn chưa quan tâm công tác này. Nếu không có nhật ký tác nghiệp, không lưu trữ thông tin khách hàng, lịch sử tiếp thị, các khó khăn trong quá trình tiếp thị,...thì rất khó để bạn có thể đạt kết quả bán hàng cũng như chăm sóc khách hàng tốt.
Và sau cùng, mỗi banker cần rèn luyện và duy trì suy nghĩ thật tích cực trong mùa dịch. Đây là điều mấu chốt và quyết định việc bạn có thể "trở lại mạnh mẽ hơn" sau mùa dịch hay không? Nếu bạn cứ ủ dột, chán chường, nằm thất vọng não nề ở nhà. Nếu bạn cứ để thời gian trôi qua vô nghĩa trong những ngày nghỉ luân phiên. Nếu bạn cứ mãi lăn tăn chuyện còn đủ phép hay không, khi nào bị giảm lương, thưởng. Nếu bạn cứ gục đầu trước khó khăn của thị trường, nhìn tất cả với một gam màu xám xịt...Và rất nhiều chữ nếu khác tiêu cực như thế, thì sớm hay muộn bạn cũng không thể trụ lại ngân hàng hoặc nếu trụ lại được thì cũng vất vưỡng cho qua ngày.
Thay vì hoang mang, lo lắng và suy nghĩ tiêu cực như thế, banker có thể tạo nên sự khác biệt bằng lòng quyết tâm, tính kỷ luật và sự kiên trì của mình ngay trong mùa dịch. Vì bầu trời là của chung tất cả, dịch bệnh là thách thức bất khả kháng, khó khăn cũng không loại trừ một ai. Và vấn đề còn lại là ở bạn – những nhân viên ngân hàng đầy nhiệt huyết, bạn chọn nằm chờ dịch bệnh bước qua hay bạn chủ động thích nghi và bước qua mùa dịch?
Nguồn: