Bất ngờ hoãn xét xử vụ “người sống gánh nợ 170 tỉ cho người chết” tại Agribank Tân An

26/11/2024
Trong giai đoạn 2011-2012, ông Châu đã nhờ 45 người đứng tên, vay ngân hàng hàng chục tỷ đồng để đưa về cho mình sử dụng. Khi ông Châu chết, không có tài sản để thu hồi, 45 người đứng tên vay vốn trước đó trở thành con nợ bất đắc dĩ.

Ngày 22/8, TAND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ án "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tính dụng", xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh Tân An (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Theo đó, cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Lắk đã tách các hợp đồng tín dụng thành vụ kiện dân sự khi có đơn yêu cầu của ngân hàng.

Tuy nhiên, tại tòa, đại diện Ngân hàng Agribank Bắc Đắk Lắk yêu cầu 3 bị cáo cùng 45 người dân có trách nhiệm chi trả hơn 170 tỷ đồng cho phía ngân hàng. Ngoài 2 lý do trên, trong quá trình xét xử, TAND tỉnh Đắk Lắk nhận thấy có một số tình tiết mới phát sinh nên đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại để làm rõ.

Như Infonet đã đưa tin trước đó, ngày 21/8, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm, đưa 3 bị cáo nguyên là giám đốc, cán bộ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh Tân An (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) ra xét xử về hành vi "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tính dụng".

Các bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Đỗ Thái Vũ (SN 1980, nguyên giám đốc), Nguyễn Quốc Minh (SN 1985, nguyên cán bộ tín dụng) và Ngô Viết Thành (SN 1983, nguyên cán bộ tín dụng và tổ trưởng tổ thẩm định).

Nội dung cáo trạng thể hiện, từ năm 2011-2012, Agribank Tân An đã ký 59 hợp đồng tín dụng cho 45 khách hàng vay vốn kinh doanh, thế chấp 50 tài sản là sổ đỏ, tài sản gắn liền trên đất và 4 xe ô tô.

Quá trình giải quyết cho vay, ông Minh, ông Vũ, ông Thành và ông Phan Văn Thịnh (giám đốc Agribank chi nhánh Tân An giai đoạn 2007 đến tháng 8/2011) không thẩm định, tái thẩm định điều kiện vay vốn, tự ý nâng khống giá trị tài sản đảm bảo cao gấp nhiều lần số tiền vay. Tính đến ngày 20/4/2016, toàn bộ các hợp đồng trên đều quá hạn, tổng dư nợ hơn 60,4 tỷ đồng.

Cũng theo cáo trạng, trên thực tế, các cá nhân đứng tên vay vốn đều không có nghề nghiệp ổn định, không kinh doanh, không có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, họ được ông Nguyễn Ngọc Châu (Chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại Năm Thịnh) nhờ đứng tên, vay vốn giùm.

Quá trình điều tra xác định, ông Châu là người nhờ 45 người dân đứng ra vay vốn và cũng là người nhận, sử dụng số tiền vay. Tuy nhiên, hiện ông Châu đã chết, không còn tài sản để thu hồi.

Đối với các hợp đồng tín dụng, cơ quan chức năng đã tách thành vụ kiện dân sự khi có đơn yêu cầu của ngân hàng. Tuy nhiên, diễn biến tại phiên tòa cho thấy, 45 người dân này đang phải gánh số nợ mà mình không sử dụng thay cho ông Châu.

Cụ thể, đại diện Agribank Bắc Đắk Lắk kiến nghị HĐXX tuyên buộc 45 khách hàng phải có trách nhiệm cùng 3 bị cáo trả số tiền hơn 170 tỷ đồng (theo tính toán của ngân hàng cho đến nay).

Tại tòa, anh Hoàng Quốc Việt (SN 1988, ngụ thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trước đây anh thế chấp 1 sổ đỏ (đứng tên người khác), ký kết với ngân hàng Agribank chi nhánh Tân An vay 1,5 tỷ đồng để kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, anh Việt không kinh doanh, trong hồ sơ vay vốn cũng không có tài liệu chứng minh hoạt động kinh doanh.

Cũng theo anh Việt, cuốn sổ đỏ mà anh thế chấp được Agribank chi nhánh Tân An định giá 2 tỷ đồng. Trong khi đó, theo định giá tài sản năm 2012, tài sản này chỉ có giá trị hơn 31 triệu đồng.

Tại phiên tòa, anh Việt cho biết sau khi vào làm nhân viên tại doanh nghiệp của ông Châu thì được ông này nhờ đi ký tên vay vốn. Thực tế, anh Việt không có tài sản gì, không nhận số tiền đã vay nên không trả nợ.

Về bị can Thịnh, cáo trạng cũng thể hiện rõ, ông Phan Văn Thịnh (giám đốc Agribank Tân An giai đoạn 2007 đến tháng 8/2011) đã ký phê duyệt 7 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền giải ngân hơn 8,2 tỷ đồng, gây hậu quả thiệt hại cho nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2016-2018, ông Thịnh đã khắc phục toàn bộ hậu quả thiệt hại cho 7 hợp đồng tín dụng đã ký, trong đó, trả trước khi khởi tố bị can hơn 5,4 tỷ đồng, trả sau khi khởi tố hơn 2,9 tỷ đồng. Do đó, tháng 7/2019, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phan Văn Thịnh về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".


Nguồn: