Bí quyết để vượt qua vòng phỏng vấn tuyển dụng của các ngân hàng

22/11/2024
Những năm gần đây, vòng thi phỏng vấn có ý nghĩa rất quan trọng đến việc các ngân hàng có tuyển dụng ứng viên hay không. Cùng với xu hướng tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm và giỏi kỹ năng, bài thi kiểm tra nghiệp vụ thường đứng sau nội dung vòng phỏng vấn; thậm chí có nhiều vị trí tại các ngân hàng không phải thi nghiệp vụ mà chỉ phỏng vấn ứng viên.

Tuy nhiên, nhiều ứng viên có thể trả lời rất tốt các câu hỏi khó chuyên môn nghiệp vụ, nhưng lại thường "gãy" ở các câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản. 

Qua nhiều năm làm công tác tuyển dụng nhân sự tại ngân hàng, người viết xin chia sẻ kỹ năng để các bạn vượt qua các câu hỏi thông dụng nhưng không phải là giản đơn như các bạn nghĩ.

"Bạn hãy tự giới thiệu về mình?": Đây là câu hỏi rất phổ biến để bắt đầu một buổi phỏng vấn. Tuy không có số liệu thống kê chính xác, nhưng hầu hết các ngân hàng sẽ hỏi bạn câu hỏi này. Thật ra đây không phải là câu hỏi mà là một đề nghị để bạn tự giới thiệu về bản thân mình. Các bạn nên nhớ, nhà tuyển dụng không quan tâm bạn học gì, quê quán ở đâu, sở thích của bạn là gì,… Vì tất cả những nội dung đã trong CV, hồ sơ, lý lịch thì đương nhiên các ngân hàng đã đọc rất kỹ trước khi mời bạn phỏng vấn. 

Do đó, với câu hỏi này, sau khi giới thiệu thật ngắn gọn về bản thân, bạn cần phải nói được nội dung bạn có gì đặc biệt, hoặc có gì khác biệt so với các ứng viên khác mà ngân hàng phải tuyển bạn mà không phải là người khác? Ví dụ: nếu bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên văn thư, bạn có thể nêu kỹ năng đánh máy, soạn thảo văn bản nhanh, đẹp và chuẩn như thế nào. Nếu bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên tín dụng, bạn hãy nêu về mối quan hệ khách hàng rộng ra sao, kỹ năng bán hàng, thuyết phục và chăm sóc khách hàng tốt như thế nào bằng các tình huống và dẫn chứng cụ thể,…

"Điểm hạn chế của bạn?": đây cũng là câu hỏi quen thuộc, nhưng làm không ít ứng viên bối rối. Các nhà băng ít khi hỏi điểm mạnh của bạn, vì họ cho rằng một ứng viên không biết điểm hạn chế của mình thì không thể biết cố gắng để hoàn thiện bản thân. Gặp dạng câu hỏi này, tốt nhất là bạn nên thành thật nêu các hạn chế của mình và tuyệt đối không nên giấu giếm. Vì sự chân thật bao giờ cũng được hội đồng tuyển dụng đánh giá cao. Nếu bạn bất ngờ không tìm được điểm hạn chế của mình, bạn nên tham khảo các ý trả lời như sau: điểm hạn chế của tôi là chưa có kinh nghiệm thực tế, thiếu kỹ năng mềm, hoặc đôi khi quá cầu toàn, quá tuân thủ trong công việc nên chưa linh động được trong xử lý tình huống,.. 

Đây chỉ là các gợi ý để bạn xử lý tình huống phải trả lời khi bị nhà tuyển dụng truy vấn. Các bạn lưu ý, như đã nêu trước tiên các bạn nên mạnh dạn và thật thà nêu điểm hạn chế của mình. Còn nếu khi bị run quá, mất bình tĩnh thì mới tham khảo các nội dung trả lời như gợi ý ở trên. Và tuyệt đối không nên trả lời không biết điểm hạn chế của mình.

"Vì sao bạn nghỉ việc tại ngân hàng A để ứng tuyển vào ngân hàng B?": đối với câu hỏi này, nguyên tắc tuyệt đối không được chê bai ngân hàng hay lãnh đạo ngân hàng bạn đang công tác. Và bạn cũng không nên nói môi trường làm việc của ngân hàng bạn đang làm việc không tốt hay áp lực cao. Vì những nội dung trả lời chê bai ngân hàng bạn đang công tác thường không được đánh cao. Còn áp lực thì hầu hết các ngân hàng đều có áp lực, chứ không riêng một ngân hàng nào. Và cũng không có nhà băng nào muốn tuyển dụng một ứng viên sợ áp lực công việc. 

Gặp câu hỏi này, bạn cứ nêu mục đích mà bạn muốn nộp đơn ứng tuyển. Và bạn cũng có thể tham khảo các ý như: để được công tác gần nhà, thuận tiện đi lại; để thử thách bản thân ở một vị trí công tác mới; để đổi mới bản thân, tránh sức ì khi làm việc quá lâu tại một vị trí,...Có một thực tế, những người giỏi trong giới ngân hàng thường ít khi an phận tại một ngân hàng mà thường muốn thử thách bản thân tại nhiều vị trí tại các nhà băng khác nhau.

"Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?": nhiều bạn tỏ ra khá ngại ngùng với câu hỏi này. Nếu bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, bạn nên tham khảo trước mức lương ở vị trí mà bạn ứng tuyển được trả tại ngân hàng đó hoặc mức tiền lương bình quân của các ngân hàng cho vị trí này. Còn nếu bạn là người có kinh nghiệm, có năng lực, bạn hoàn toàn có thể tự định giá sức lao động của mình và thỏa thuận một mức lương đúng với giá trị sức lao động của bạn. Để tuyển dụng được một nhân sự có chất lượng, hầu hết các ngân hàng đều có chính sách thỏa thuận lương cho ứng viên giỏi. Và các bạn nên nhớ, đừng bao giờ trả lời theo kiểu "lương sao cũng được, tôi không quan trọng tiền lương mà chủ yếu là học hỏi kinh nghiệm". Những câu trả lời như thế thường không được đánh giá cao, đặt sự nghi vấn về năng lực cũng như sự gắn bó của bạn.

"Bạn có thể uống được bao nhiêu bia, rượu?": đây là câu hỏi mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Có thể các bạn hơi bất ngờ về câu hỏi này. Tuy nhiên, xu hướng chăm sóc khách hàng, hầu hết các vị trí ở ngân hàng thường phải thường xuyên tiếp khách trên bàn nhậu. Vì vậy, nếu bạn có kỹ năng giao tiếp, ăn nói lịch thiệp và "tửu lượng" cao sẽ là một lợi thế. (Tửu lượng cao ở đây là để tiếp và cầm chân khách hàng trong các buổi tiệc chứ không phải tửu lượng cao theo kiểu dân nghiện rượu). Còn nếu bạn là nữ, hoặc khả năng bia rượu hạn chế, bạn có thể trả lời như sau: "Tôi không uống được nhiều bia rượu, chỉ khoảng 2 – 3 lon bia, nhưng tôi biết cách để tiếp khách hàng và ngồi trò chuyện với khách hàng đến khi kết thúc buổi tiệc mà không làm phiền lòng khách hàng". Nhưng các bạn lưu ý, không nên nói khoác về khả năng bia rượu của mình. Vì như đã nói, mọi sự không trung thực đều không được đánh giá cao.

"Bạn có năng khiếu, khả năng đặc biệt khác không?": với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn đánh giá khả năng về thể thao, âm nhạc, nghệ thuật hay một năng khiếu đặc biệt nào đó của bạn. Hoạt động ngân hàng, ngoài kinh doanh còn các phong trào văn thể mỹ. Do đó, nếu bạn có năng khiếu thể thao hoặc ca hát thì sẽ rất có lợi thế so với các ứng viên còn lại. Nếu bạn không có năng khiếu về các lĩnh vực này, bạn cũng nên chuẩn bị trước một bài hát mà bạn tâm đắc để hát tặng cho hội đồng phỏng vấn. 

Khi đó, bạn cứ thành thật trả lời: "Em không có năng khiếu về ca hát, tuy nhiên em xin phép được hát tặng cho hội đồng một bài hát". Nếu bạn chủ động hát tặng hội đồng phỏng vấn, dù hát hay hoặc hát dở, bạn vẫn ghi điểm với hội đồng về sự tự tin trong giao tiếp và tạo ấn tượng khác biệt với các ứng viên khác. Rất nhiều trường hợp, hội đồng phỏng vấn đề nghị ứng viên hát nhưng không ai dám hát vì thiếu tự tin. Để tôi kể cho các bạn nghe, trường hợp người nhà của tác giả khi phỏng vấn vào Vietcombank Long An vào năm 2008 và được hội đồng phỏng vấn hỏi em có biết hát không? Và nhờ một bài hát mà ứng viên đó đậu vào Vietcombank Long An năm đó.

Tóm lại, tùy từng trường hợp, tùy vị trí ứng tuyển và khẩu vị tuyển dụng của các ngân hàng mà bạn sẽ được hỏi những câu hỏi khác nhau. Tuy nhiên các câu hỏi trên là những câu hỏi thường gặp nhất trong vòng phỏng vấn ở các ngân hàng. Như đã nói, sự trung thực là yêu cầu rất quan trọng đối với nhân viên ngân hàng. Vì vậy, bạn tuyệt đối trung thực trong vòng thi phỏng vấn. Vì mọi sự thiếu trung thực của bạn ở câu hỏi này sẽ được phơi bày ở câu hỏi khác hoặc sẽ dễ dàng phát hiện bởi cảm nhận tinh tế của nhà tuyển dụng. Điều quan trọng nhất vẫn là bạn phải tạo sự khác biệt và thể hiện sự tự tin vì sao ngân hàng nên chọn bạn.

Nguồn: