Thực trạng nhiều cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực ngân hàng cấu kết với khách hàng, thực hiện nhiều phi vụ làm ăn trái pháp luật và phải trả giá đắt là vấn đề nóng gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua.
Do đó, làm thế nào để giàu lên nhanh khi làm việc trong lĩnh vực này mà không phạm pháp luôn là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính – ngân hàng do Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức mới đây, các lãnh đạo ngành Tài chính – Ngân hàng đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về mô hình phát triển nhân sự trong lĩnh vực này. Theo đó, để phát triển trong lĩnh vực ngân hàng thì trước tiên người nhân viên phải làm đúng, phải gắn bó được với nghề rồi từ từ cơ hội làm giàu sẽ mở ra.
Đi lên bằng nghề sales
Theo bà Nguyễn Thị Tố Uyên – Phó Giám đốc khối Quản trị nguồn nhân lực kiêm Giám đốc Nhân sự ngân hàng Sacombank, nhiều sinh viên mới ra trường cứ ảo tưởng rằng ngân hàng là nơi hái ra tiền và cứ thế nộp đơn xin vào làm mà không hề biết bản chất thật sự của nghề là gì. Làm ngân hàng là phải đối mặt với áp lực, xác định gắn bó thì phải cố gắng qua từng ngày và học cách yêu công việc mình đang làm, dần dần sẽ thấy đây là một ngành nghề thú vị.
Theo bà Tố Uyên, đa phần các nhân sự ngân hàng đi lên là nhờ làm sales giỏi. Thông thường, ai cũng nghĩ rằng nghề sales mệt mỏi và khó khăn nhưng nếu chịu khó quan sát và thích nghi thì sẽ học hỏi được nhiều điều điều từ các đối tác, nhiều thành phần trong xã hội. Khi đã cứng nghề, việc một nhân viên sales ngân hàng kiếm tiền vài chục triệu đồng/1 tháng không phải là hiếm.
Chung quan điểm đó, ông Nguyễn Hải Triều - Nguyên Giám đốc kinh doanh của một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng khẳng định, nghề sales ngân hàng đang là nghề hái ra tiền. Với những sinh viên mới ra trường, việc trở thành một sales giỏi là cơ hội để phát triển lên những vị trí khác.
"Con số thu nhập của nhân viên ngân hàng mà các bạn thấy trên báo chí là có thật. Bình quân 9 chục triệu/1 tháng thì không có nhưng thật sự thì bộ phận của tôi có những bạn sinh năm 1996, sau 6-7 tháng làm sales thu nhập bình quân đã 55 triệu/1 tháng. Mặc dù lương khởi điểm chỉ có 8 triệu, mức trung bình thôi nhưng vẫn tăng lên nhanh chóng nếu bạn chịu khó tiếp nhận và học hỏi", ông Triều phân tích.
Vay vốn ưu đãi cho nhân viên
Theo các chuyên gia, tại các ngân hàng đều có chính sách vay vốn ưu đãi cho ngân viên với hạn mức tùy vào thâm niên đóng góp. Theo bà Tố Uyên, dù không thể làm giàu nhanh chóng nhưng nếu nhân viên làm đúng, làm giỏi thì rổ tài chính sẽ đa dạng hơn, ngân hàng sẽ tạo nhiều cơ hội cho nhân sự phát triển rổ tài chính của riêng mình.
"Vay ưu đãi cho nhân viên là cơ hội tốt để bạn chính danh, minh bạch đi lên bằng hai bàn tay của mình. Người bình thường vay lãi rất cao nhưng nhân viên được ưu đãi thì tại sao không tận dụng. Các bạn có thể vay mua bất động sản hoặc đầu tư, chỉ có điều đừng tham quá, cái gì cũng có cái giá phải trả", bà Uyên nhìn nhận.
Còn theo ông Nguyễn Hải Triều, tại ngân hàng của ông nhân viên được vay vốn với lãi suất ưu đãi khá tốt. Nếu vay mua nhà thì lãi suất vay nhân viên sẽ bằng 50% lãi suất thị trường, nếu lãi ngân hàng tăng lên 10% thì nhân viên vay chỉ 5%.
"Thuận lợi như vậy nên nhiều nhân viên vay xong đi gửi ngân hàng khác, ví dụ vay 3% mà đi gửi ngân hàng khác lãi 8%, tức lời 5%. Nếu trả đúng hạn thì hạn mức sẽ tăng lên. Căn cứ vào quá trình cống hiến thì hạn mức sẽ nhân lên, ví dụ nếu mới ra trường chỉ được 50 triệu nhưng dần dần sẽ tăng lên, và sau đó dùng vốn đó đi kinh doanh và làm giàu 1 cách hợp pháp", anh Hải Triều nhấn mạnh.
Xem áp lực là cơ hội
Với góc nhìn của một người làm công tác nhân sự hơn 20 năm, 15 năm trong ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thị Tố Uyên khuyên các bạn trẻ rằng khi bước chân vào nghề thì trước tiên phải phải làm đúng. Bởi lẽ, các ngân hàng đều có hệ thống giám sát từ xa để kiểm soát hoạt động của nhân viên. Đây là một ngành đầy áp lực và đòi hỏi sự cố gắng qua từng ngày.
"Tuy nhiên, áp lực sẽ đi kèm với cơ hội. Khi bạn cho khách hàng vay thì thẩm định được câu chuyện kinh doanh của từng khách hàng và học được nhiều bài học hay, những điều đó không bất kỳ trường lớp nào dạy được. Làm ngành nào cũng phải mất 3-5 năm để xây cái gốc cho vững, làm ngành ngân hàng phải chấp nhận mức độ kiên trì. Các bạn kiên trì từ 3-5 năm, đảm bảo tập trung làm việc một cách chuyên nghiệp thì nhất định có cơ hội phát triển", bà Uyên nhấn mạnh.
Ví dụ như tại Sacombank, thông thường hệ thống sẽ phát triển quản lý trong nội bộ chứ không tuyển thêm bên ngoài. Do đó, nhiều bạn trẻ mới đi làm 2 - 3 năm đã được mời đi quy hoạch bổ nhiệm vị trí quản lý. Ngành ngân hàng nói chung đang thiếu nguồn nhân lực, cần nhân sự giỏi, chịu làm, kiên trì và chịu đối mặt với thách thức, chỉ cần cố gắng thì nhất định sẽ có cơ hội thăng tiến.
Nguồn: