BIDV 6 tháng đầu năm 2019: Lợi nhuận sụt giảm và thua cả MBBank, nợ có khả năng mất vốn bất ngờ tăng vọt

11/11/2024
LNTT 6 tháng đầu năm của BIDV chỉ đạt 4.772 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận này hiện thấp hơn so với Vietcombank, Techcombank và cả MBBank.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV – BID) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019, ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 4.772 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Như vậy, sau khi bị Techcombank "vượt mặt", lợi nhuận của BIDV hiện tại còn thua cả MBBank (hơn 4.800 tỷ).

BCTC của ngân hàng cho thấy, trong quý 2, LNTT của BIDV chỉ đạt 2.251 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ với nguyên nhân chủ yếu là do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 38% lên 5.524 tỷ đồng. 

Hầu hết các mảng kinh doanh trong quý 2 của BIDV vẫn có kết quả khả quan, tăng trưởng dương, theo đó tổng thu nhập hoạt động của BIDV trong quý 2 đạt gần 12 nghìn tỷ, tăng 12% so với cùng kỳ. Ngân hàng tiết kiệm chi phí hoạt động (gần như không đổi) để giúp lợi nhuận thuần trong quý 2 tăng vẫn có được mức tăng 20% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của BIDV chỉ tăng 3% đạt gần 22.700 tỷ. Trong đó, đáng chú ý, thu nhập lãi thuần 6 tháng chỉ tăng 1,2% lên 17.683 tỷ do sự sụt giảm trong quý 1. Động lực tăng trưởng chính lại đến từ kinh doanh ngoại hối và lãi từ hoạt động khác, lần lượt tăng 68% và 49% đạt lãi 735 tỷ và 2.375 tỷ. BCTC không thuyết minh cơ cấu nguồn thu lãi từ hoạt động khác của BIDV đến từ đâu, song nhiều khả năng đến từ hoạt động thu hồi nợ đã được xử lý.

Lãi từ hoạt động dịch vụ của BIDV tăng 14,4% lên 1.968 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán bị lỗ 175 trong khi cùng kỳ lãi tới hơn 600 tỷ cũng là một trong những nguyên nhân kéo kết quả kinh doanh của BIDV đi xuống. Thu nhập góp vốn mua cổ phần tương đương cùng kỳ, đạt 113 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động trong 6 tháng tăng nhẹ 3% lên 7.217 tỷ. Chi phí dự phòng rủi ro tăng 6,8% lên 10.710 tỷ và chiếm tới 69% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng này.

Cuối tháng 6, tổng tài sản của BIDV vượt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,5% lên 1,05 triệu tỷ. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 7,1% đạt 1,06 triệu tỷ.

Nợ xấu nội bảng tại thời điểm 30/6/2019 là 21.121 tỷ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh tới 46% lên 10.492 tỷ và nhóm nợ này đang chiếm tới gần một nửa trong cơ cấu nợ xấu của BIDV. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng cũng từ mức 1,9% hồi đầu năm leo lên 1,98%.

Nguồn: