Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Long Biên Hà Nội (BIDV Long Biên Hà Nội) vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông.
BIDV cho biết, dư nợ của công ty này đến ngày 30/6/2020 tại ngân hàng là hơn 17 triệu USD (tương đương với gần 400 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay 23.300 đồng/USD). Trong đó, dư nợ gốc gần 10,3 triệu USD, là dư nợ tham gia đồng tài trợ cho vay đầu tư mua tàu dầu Gammur trọng tải hơn 47 nghìn tấn (nay là tàu Biển Đông Victory) do Agribank Nam Hà Nội làm đầu mối. Dư nợ lãi là hơn 7 triệu USD.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ là chính tàu Biển Đông Victory, ngoài ra còn có trụ sở công ty tại Hải Phòng, tại TP. Hồ Chí Minh và Chứng thư bảo lãnh của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin).
Được biết, Vận tải Biển Đông được thành lập năm 1995 với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải đường biển, đại lý tàu biển và môi giới hàng hải, đại lý giao nhận vận tải hàng hóa bằng các phương tiện vận tải đường bộ và đường thủy.
Ban đầu, công ty là một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Đến năm 2010, thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông được điều chuyển nguyên trạng từ Vinashin sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) kể từ ngày 1/7/2010.
Năm 2018, lãnh đạo Vinlines từng cho biết, Vận tải Biển Đông bị đánh giá hoạt động không liên tục, âm vốn chủ sở hữu tới 4.000 tỷ đồng, lỗ trung bình mỗi năm 500 tỷ. Vinalines đã tái cơ cấu nhưng khoản nợ của công ty này đối với các tổ chức tín dụng quá lớn.
Ngoài Biển Đông Victory, BIDV cũng vướng khoản nợ xấu lớn liên quan đến con tàu tai tiếng Ocean Queen. Hồi đầu tháng 9/2020, ngân hàng lần thứ 8 rao bán con tàu này. Ngân hàng đưa ra giá khởi điểm gần 194 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức giá hơn 300 tỷ đưa ra hồi cuối năm 2019.
Tàu Ocean Queen có giấy chứng nhận đăng ký tàu biển số HP-BUI-001190-4 cấp tại Hải Phòng ngày 09/08/2017.
Năm 2010, Công ty Hoa Ngọc Lan đã đàm phán mua con tàu từ Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu đóng mới. Đây là tàu được đóng và hạ thủy từ năm 2007, nhưng chủ tàu Graig (Vương quốc Anh) không nhận tàu.
Giá mua tàu khi ấy là 33 triệu USD, tương ứng khoảng 627 tỷ đồng (tỷ giá 19.000 đồng/USD). Theo thỏa thuận, bên mua tàu có trách nhiệm làm việc với ngân hàng để cho Nam Triệu vay khoảng 150 tỷ đồng để hoàn thiện tàu...Hoa Ngọc Lan là doanh nghiệp tư nhân duy nhất dám mua tàu có trọng tải lớn nhất đóng trong nước
Cùng thời điểm (tháng 10/2010) ký hợp đồng mua tàu, Hoa Ngọc Lan cũng được Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội ký hợp đồng cấp tín dụng tối đa 29,7 triệu USD để đầu tư mua tàu thời hạn vay 8 năm, thế chấp bằng chính con tàu này...
Nguồn: