BIDV đấu giá khoản nợ gần 1.300 tỷ của Vinaxuki

20/09/2024
Khoản nợ của Vinaxuki tại BIDV với quy mô gần 1.300 tỷ đồng sẽ được bán đấu giá.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản với khoản nợ của Công ty Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên.

Giá trị khoản nợ bằng số tiền gốc cộng lãi vay tới ngày tổ chức phiên đấu giá đầu tiên. Tính tới hết ngày 15/9/2019, quy mô khoản nợ này là hơn 1.265 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm quyền sử dụng và tài sản gần 140.000 m2 đất tại xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội; máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại xã Đắk Drông, Cư Jút (Đắk Nông) và tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên.

Theo yêu cầu của BIDV, tổ chức đấu giá tài sản phải hoạt động tối thiểu 3 năm, 3 đấu giá viên, ba chi nhánh trong đó trụ sở chính đặt tại Hà Nội hoặc TP HCM.

Vinaxuki, hơn thập kỷ trước, là một trong những hãng xe ôtô nội địa hiếm hoi của Việt Nam, niềm tự hào của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT công ty. Trong giai đoạn 2004 – 2009, Vinaxuki được ông Huyên giới thiệu là thương hiệu nổi tiếng nhất nhì Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp xe tải và xe bán tải. 

Tuy nhiên, khi kinh tế rơi vào vòng xoáy khủng hoàng 2008-2009, Vinaxuki cũng rơi vào tình thế khó khăn. Năm 2010, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, hàng nghìn ôtô tải lắp ráp của thương hiệu này rơi vào cảnh ế ẩm, không có người mua, giá xe giảm dẫn đến lợi nhuận vơi dần. Đây cũng là thời điểm Vinaxuki dồn vốn rẽ hướng sang đầu tư làm xe con. Năm 2012, lần đầu tiên sau 20 năm kinh doanh, Vinaxuki báo lỗ 45 tỷ đồng. 

Công ty thiếu vốn, trong khi thị trường cạnh tranh gay gắt dẫn tới hoạt động của công ty ngày càng bế tắc. Những năm sau đó, hoạt động của Vinaxuki chỉ xoay quanh vòng xoáy trả lãi, trả nợ. Nhà máy Vinaxuki theo thiết kế ban đầu có lượng nhân công dự kiến lên tới 6.000 người (Thái Nguyên 300 người, Thanh Hóa 3.000 người và còn lại là Mê Linh, Hà Nội). Tuy nhiên, các nhà máy đều đắp chiếu và dừng sản xuất từ năm 2013. Cuối năm 2017, nhà máy tại Thanh Hóa của Vinaxuki đã được ngân hàng thu hồi, rao bán siết nợ.

 Minh Sơn

Nguồn: