Ngày 18/6, tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Myanamar, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác Chính phủ đã gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại cố đô Yangon- trung tâm kinh tế lớn nhất của quốc gia này.
Thông tin tại buổi gặp cho biết, hiện nay Việt Nam đã có khoảng hơn 200 doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Myanmar, trong đó có thể kể ra các tên tuổi lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Vietnam Airlines, Viettel (với thương hiệu mạng viễn thông Mytel), Đông Á,...và sắp tới còn có cả Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn- Hà Nội (SHB).
Các doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng đang tăng cường đầu tư vào Myanamar như FPT, VNPT, Đông Á, Minh Đức, Eurowindow…
Ngoài ra, Việt Nam còn có một cái tên đáng chú ý khác là công ty khởi nghiệp sáng tạo Fastgo do một nhóm các nhà đầu tư trẻ tuổi sang kinh doanh trong lĩnh vực taxi công nghệ. Quỹ đầu tư Vinacapital là người "rót vốn" để phát triển mảng kinh tế chia sẻ này ở Myanmar.
Trong số các doanh nghiệp đầu tư tại Myanmar, BIDV là thương hiệu lớn khi năm nay ghi dấu 9 năm hiện diện ở quốc gia ở cực Tây của khối ASEAN. Theo Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú, Chi nhánh BIDV Yangon chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, là ngân hàng Việt Nam đầu tiên cung cấp đa dạng các sản phẩm ngân hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar.
Tính đến ngày 31/5/2019, BIDV Yangon có tổng tài sản hơn 130 triệu USD, huy động không kỳ hạn đạt 46,5 triệu USD, dư nợ bình quân đạt 20 triệu USD, lượng khách hàng chi nhánh là doanh nghiệp của chi nhánh cũng đã tăng 27% so với cuối năm 2018.
"Thông thường một chi nhánh mở ở nước ngoài thì phải 5 năm mới có lãi, những BIDV tại đây gần 3 năm đã bắt đầu có lãi rồi, tới nay BIDV đã lãi 1 triệu USD. Một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chúng tôi liên kết với Mytel...", ông Tú cho hay.
Ngoài hoạt động kinh doanh, BIDV còn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao làm đầu mối kết nối với Ngân hàng Nhà nước Myanmar để hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ, tìm kiếm thị trường, phát triển các đối tác tại Myanmar.
Tuy nhiên ông Phan Đức Tú cũng cho biết hiện nay BIDV Yangon còn đang gặp khó khăn về phía luật pháp của Myanmar chưa cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được trả lãi cho khách hàng cá nhân gửi tiền, chỉ cho phép các doanh nghiệp FDI gửi tiền có lãi dẫn đến không thể huy động được nguồn lực tín dụng từ Myanmar.
Cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư vào Myanmar, Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư khu phức hợp Myanmar Center trị giá 440 triệu USD, cho thuê 32.000m2, hiện 98% mặt bằng đã cho thuê. Trung tâm thương mại Myanmar Plaza sôi động, thu hút 20.000 người đến mua sắm/ngày. Năm 2016 đã khánh thành khách sạn 5 sao và giao cho tập đoàn Media Hotel quản lý, khai thác, trở thành khách sạn hiện đại nhất.
"Bất cứ ai, từ người dân Myanmar hay khách nước ngoài đã đến Myanmar đều biết đến Myanmar Plaza", ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai tự hào nói.
Ông Đức cũng cho biết trong quá trình đầu tư, doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn nhưng đang tiếp tục chọn ngành nông nghiệp để phát triển ở trong tương lai với đối tác chiến lược là Thaco Trường Hải.
Ngoài ra, tiếp nối giai đoạn 1 mà Hoàng Anh Gia Lai đã làm, Thaco Trường Hải đang xây dựng giai đoạn 2 Dự án phức hợp Myanmar Center, định hướng theo xu thế chung, trở thành nơi mua sắm, vui chơi giải trí hàng đầu tại Myanmar. Sau khi hoàn thành toàn bộ dự án, khu phức hợp Myanmar có 4 tầng hầm, 5 tầng trung tâm thương mại và 32 tầng khai thác cho thuê văn phòng, căn hộ. Với tổng mức đầu tư 711 triệu USD, Thaco Trường Hải cam kết hoàn thành vào năm 2022.
Cũng tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng cho biết lãnh đạo cấp cao hai nước nhiều năm qua đã cam kết tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác thương mại và đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời tăng mạnh đầu tư hai chiều.
Phó Thủ tướng cho biết đã trao đổi với các nhà Lãnh đạo Myanmar về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, viễn thông, khai khoáng, năng lượng…. ; đề nghị phía Myanmar tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo môi trường an toàn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm dịch và thông quan cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thu hẹp danh mục các mặt hàng cần xin giấy phép, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, có cơ chế chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam, giải quyết thỏa đáng các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Viễn thông Quân đội- Viettel, Tổng công ty Simco Sông Đà, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOIL….
Nguồn: