Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã CK: BID) vừa thông báo kết quả đợt phát hành riêng lẻ hơn 603 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn điều lệ ngân hàng sau chào bán.
Trong ngày 31/10, BIDV đã hoàn tất đợt phát hành này cho đối tác Hàn Quốc là KEB Hana Bank, với số tiền thu về hơn 20.200 tỷ đồng. Giá bán mỗi cổ phần trong đợt chào bán là 33.640 đồng, thấp hơn 17% so với thị giá cổ phiếu BID chốt phiên giao dịch cùng ngày trên sàn chứng khoán.
Theo quy định, số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán. KEB Hana Bank trở thành cổ đông ngoại lớn nhất và là cổ đông lớn thứ hai tại BIDV. Sau giao dịch, sở hữu của cổ đông Nhà nước tại BIDV giảm xuống còn 81%.
Việc hoàn tất đợt phát hành cho KEB Hana Bank được xem là đã giải "cơn khát" vốn cho nhà băng quốc doanh có tổng tài sản lớn nhất sàn chứng khoán. BIDV, ngân hàng có sở hữu Nhà nước cao nhất trong nhóm ba nhà băng quốc doanh niêm yết, đã đề xuất lộ trình tăng vốn liên tục trong nhiều năm gần đây nhưng đều không thể thực hiện. Từ năm 2016, cả BIDV và VietinBank đã mong muốn tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, tuy nhiên đề nghị này nhiều lần bị Bộ Tài chính từ chối với lý do ngân sách eo hẹp.
Hoàn tất đợt chào bán cổ phần, vốn điều lệ của BIDV tăng thêm hơn 6.000 tỷ đồng, lên mức 40.220 tỷ đồng, trở thành nhà băng có quy mô vốn cao nhất hệ thống. Vietcombank và VietinBank có quy mô vốn hơn 37.000 tỷ, còn Agribank đến cuối quý II có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng.
Ngay trước đợt phát hành, BIDV đã thông qua việc chi gần 4.800 tỷ đồng để trả cổ tức hai năm 2017 và 2018, với tổng tỷ lệ chi trả là 14%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi sau thuế của BIDV giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5.645 tỷ đồng. Tính đến 30/9, tổng tài sản của ngân hàng là 1,42 triệu tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm.
Minh Sơn