Với giao dịch trên, câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước sau cổ phần hóa bước sang trang mới: sau hơn ba năm với nhiều lần đề xuất các giải pháp và khuyến nghị, thế kẹt từng bước được gỡ.
Thông tin công bố đầu tuần này, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV ) đã chính thức thông qua văn kiện giao dịch với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Theo đó, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) 603.302.706 cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV sau khi đầu tư. Tổng giá trị của giao dịch là 20.295,1 tỷ đồng - kỷ lục mới trong M&A của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Như vậy, sau một thời gian dài tưởng như chật vật, thành viên đang có quy mô tổng tài sản hàng đầu hệ thống này đã tự cởi trói các giới hạn tăng trưởng cho chính mình. Vốn điều lệ tăng lên một phần, dự kiến BIDV còn có được khoản thặng dư lớn; nguồn lực này cùng không gian tăng trưởng mới được mở ra dự kiến sẽ sớm tạo khác biệt tại đây.
BIDV cũng là thành viên thứ hai trong nhóm “big 4” các ngân hàng thương mại có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối mở được hướng đi bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong câu chuyện tăng vốn trên (trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank tùy thuộc hoàn toàn vào vốn Nhà nước cấp mới do chưa cổ phần hóa).
Trước đó, cuối năm 2018, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ( Vietcombank ) cũng đã bán một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và mang về khoản thặng dư lớn, nâng cao năng lực tài chính. Và năm nay, Vietcombank tiếp tục triển khai hướng đi trên với khoảng 7% bán thêm.
Cả BIDV và Vietcombank còn dư địa lớn của cơ chế để tăng vốn, cả ở giới hạn giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước lẫn “room” sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, tại Ngân hàng Công thương Việt Nam ( VietinBank ), khẩu phần của cơ chế này đã dùng hết.
Cũng vì đã dùng hết, cũng như cổ đông Nhà nước trong trung hạn không được đầu tư thêm theo ngân sách Quốc hội đã chốt kế hoạch những năm qua, thêm trường hợp BIDV thời gian qua tưởng như chật vật tăng vốn, nên hơn một tháng trước thị trường xuất hiện thông tin của một phương án mới.
Đó là, trên VnExpress ngày 14/6/2019, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết đang làm việc về khả năng tham gia mua cổ phần BIDV và VietinBank.
“SCIC đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và hai ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) về phương án đầu tư. Hiện đề xuất của SCIC đã được các nhà băng này xây dựng và trình cho các cấp cao hơn phê duyệt”, ông Thành cho biết trên VnExpress.
Đáng chú ý, theo Tổng giám đốc SCIC, phương án được Tổng công ty đưa ra là mua cổ phần hai ngân hàng trên bằng mệnh giá, giúp những ngân hàng này giải quyết “bài toán” thiếu vốn.
“SCIC nhận thấy đây là cơ hội đầu tư phù hợp. Trước mắt, phương án này sẽ đợi sự chấp thuận từ cơ quan quản lý. Trong trường hợp không được phê duyệt đề nghị mua cổ phần bằng mệnh giá, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về phương án đầu tư khác”, Tổng giám đốc SCIC nói.
Thông tin trên lập tức gây chú ý trên thị trường, với những góc nhìn khác nhau từ giới đầu tư.
Có thể có những điểm chưa được thông tin chi tiết để xác định rõ đề xuất của SCIC, nhưng hướng mua cổ phần BIDV và VietinBank bằng mệnh giá được xem như một “phương án ao làng” mà “siêu tổng công ty” tính toán thả câu (?).
Bởi lẽ, trong khi thị giá cổ phiếu CTG của VietinBank trên sàn ở mức 2x, BID của BIDV ở 3x, mà SCIC đưa ra phương án mua bằng mệnh giá có tính cục bộ trong các tương quan giá.
Tính chất “ao làng” cũng được xét đến khi tại VietinBank không chỉ có cổ đông Nhà nước, mà còn có các cổ đông nhỏ lẻ, và đặc biệt là những cổ đông nước ngoài. Nếu SCIC được mua với giá bằng mệnh giá, con mắt từ “biển lớn” quốc tế nhìn vào “phương án ao làng” đó sẽ như thế nào?
Mặt khác, trên thị trường không chỉ có riêng SCIC là nhà đầu tư để có lợi thế mua theo một mức giá riêng.
Một nhà phân tích đầu tư chia sẻ quan điểm trên mạng xã hội mới đây cho rằng, nếu thực hiện phương án trên, Việt Nam đánh dấu một bước lùi trong tiến trình cổ phần hóa.
Còn thực tế, như trên, chỉ hơn một tháng sau, BIDV trả lời với khoản bán vốn kỷ lục, mà mức giá nhà đầu tư nước ngoài trả là hơn gấp ba lần mệnh giá.
Với câu trả lời đó, hiện chỉ còn lại VietinBank. Ngân hàng này đã dùng hết khẩu phần của cơ chế tăng vốn, nhiều lần đề xuất giữ lại lợi nhuận bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu vẫn chưa được hiện thực.
Nhưng tình thế của VietinBank cũng không hẳn vì thế mà quá bí bách trong hoạt động, vì lợi nhuận chưa chia và chưa hoặc không được gộp vào để tăng vốn điều lệ thì nguồn tiền vẫn nằm tại ngân hàng mà chưa chuyển đi đâu cả.
Chỉ có điều, khi chưa tăng được vốn, nhất là sau hơn ba năm qua yêu cầu đặt ra, các hướng mở rộng thị phần của VietinBank có phần bị hạn chế bởi các giới hạn quy định liên quan đến vốn. Mà trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, thị phần đang cạnh tranh ngày một quyết liệt.
Nguồn: