Trong những tháng qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Phát biểu tại buổi thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2019, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt trên 104 triệu giao dịch, tương ứng với gần 61.000 tỷ đồng, tăng 19,57% về số lượng và 26,66% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, bình quân một ngày, số lượng giao dịch đạt gần 629.000 giao dịch, giá trị trên 367.000 tỷ đồng.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng. Đến cuối tháng 7/2019, toàn thị trường có 18.841 ATM và 262.733 POS được lắp đặt.
Vị đại diện Ngân hàng Nhà nước còn cho biết thêm, việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên; đến cuối tháng 7/2019 đã đạt khoảng 83,3 triệu tài khoản cá nhân, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 158 triệu giao dịch, tăng 15,8%; tổng giá trị giao dịch đạt hơn 410.000 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với 7 tháng đầu năm 2018.
Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018. Qua đó, tiếp tục duy trì mức tăng 3 con số trên 100%, đạt được từ năm trước.
Với những kết quả đã đạt được, thay mặt Ngân hàng Nhà nước, vị đại diện của Vụ Thanh toán đã đề ra 5 định hướng nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ nhất, hoàn thiện và triển khai các quy định về thanh toán thanh toán điện tử.
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.
Thứ ba, tiếp tục nâng cấp hạ tầng thanh toán, đồng thời hoàn thiện kết nối hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với những cấu phần nghiệp vụ mới; chỉ đạo triển khai và sớm đưa vào vận hành hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) vận hành 24/7, kết nối tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác nhau nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn, bảo mật tại các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức và phối hợp phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng; cảnh báo kịp thời những phương thức và thủ đoạn mới của tội phạm để có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Nguồn: