Tình hình cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cập nhật tại báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Thống đốc cho biết, đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng kí kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 – 2020. Tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo, hiện nay, nợ xấu cho vay theo nghị định 67 có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Cụ thể, nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%, tăng lên 17% vào cuối năm.
Theo Thống đốc, ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến việc ngư dân không trả được nợ vay thì còn do nhiều ngư dân có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, coi đây là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện một số giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành trung ương đến chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội nhằm hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ ngân hàng thương mại thu hồi nợ vay, hạn chế nợ xấu gia tăng.
Thống đốc cũng cho biết một số giai pháp được Ngân hàng Nhà nước chủ động triển khai. Như, đối với các ngư dân không trả được nợ ngân hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Tài chính quy định bổ sung một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, ngư dân được các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 trong thời gian cơ cấu.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt (đã chuyển đổi cho 10 chủ tàu với dư nợ trên 58 tỷ đồng tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Tiền Giang) Kịp thời nắm bắt các khó khăn, kiến nghị của ngư dân để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý.
Đối với trường hợp ngư dân cố tình chây ì, không trả nợ, giải pháp được Thống đốc nêu là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ban chỉ đạo 67 của tỉnh định kỳ tổ chức họp với các ngư dân để đôn đốc nhắc nhở, vận động ngư dân thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ trong quan hệ tín dụng. Trường hợp cần thiết có biện pháp xử lý phù hợp (như khởi kiện theo quy định).
Theo báo cáo của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, hiện có 39 trường hợp đang khởi kiện chủ tàu ra tòa, báo cáo nêu rõ.
Thống đốc cũng cho biết, đối với trường hợp ngư dân muốn chuyển đổi nghề khai thác do nghề khai thác hiện tại không hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan hoặc báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để thông báo cho người dân được biết.
Trong thời gian tới, để chính sách tín dụng đạt hiệu quả, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện một số giải pháp đã triển khai như, chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động phối hợp khách hàng thu nợ, kịp thời nắm bắt và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Phối hợp với ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố ven biển tham mưu cho Ban chỉ đạo 67 của tỉnh có biện pháp xử lý dứt điểm đối với ngư dân cố tình chây ì không trả nợ vay. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển hỗ trợ ngành Ngân hàng thu hồi nợ vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xử lý khó khăn cho người dân liên quan đến chính sách bảo hiểm, bồi thường thiệt hại khi rủi ro xảy ra, hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu,.... Đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm trả nợ ngân hàng theo đúng cam kết tại hợp đồng tín dụng.
Nguồn: