Bùng nổ đi kèm tiềm ẩn rủi ro
Chỉ sau chưa đầy một năm thực hiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP, đến tháng 12/2021, những diễn biến nhanh chóng của thị trường đã khiến Bộ Tài chính phải tiến hành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung với nội dung siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tại dự thảo sửa đổi lần này, cơ quan quản lý dự liệu nhiều tình huống hơn, theo hướng chặt chẽ hơn, nhằm phản ánh đúng chất lượng hàng hóa và hướng dòng tiền đến đúng đích.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, với việc sửa đổi Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chất lượng thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng ngày càng được nâng cao, có sự phát triển đi vào chiều sâu, theo đó, giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.
Trao đổi trong một chuyên đề trên VTV8 mới đây, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), cho biết, trong quý 1/2022, tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm khoảng trên 40% và của các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm trên 20%; đặc biệt khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm trên 77,8% tổng khối lượng phát hành. Lãi suất nhìn chung trong quý 1 có áp lực tăng nhẹ so với cùng kỳ do lo ngại lạm phát.
Cũng theo Tổng thư ký VBMA, từ 2019 trở về đây, lượng phát hành trái phiếu thành công của doanh nghiệp bắt đầu vượt so với lượng trái phiếu phát hành thành công của Chính phủ. Thậm chí năm 2021, khối lượng phát hành của khối doanh nghiệp cao gấp đôi so với khối lượng phát hành của Chính phủ, đạt khoảng 658 nghìn tỷ đồng, trong đó, trên 95% là phát hành riêng lẻ.
"Trong giai đoạn vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ có sự bùng nổ. Khi nền kinh tế có sự phát triển mạnh mẽ thì nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng lên, đi cùng với đó cả nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư cũng tăng, theo đó, cả đầu cung và đầu cầu đều có sự tăng trưởng.
Các cơ quan nhà nước cũng thấy rằng điều này đang có tiềm ẩn những rủi ro cho nhà đầu tư và cần phải có những điều chỉnh để nâng cao chất lượng. Việc chúng ta siết Nghị định 153 trong thời gian vừa qua là bước định hướng để chuyển từ phát triển về lượng sang phát triển về chất", ông Quỳnh nói.
Còn theo đánh giá của bà Ngô Thị Thùy linh, Chủ tịch CTCK Smart Invest (AAS) cũng tại cuộc trao đổi trên, Nghị định 153 sẽ giúp nâng cấp thị trường trái phiếu của Việt Nam theo hướng minh bạch hơn, sàng lọc về chất lượng hơn.
"Về dài hạn, chính sách sẽ giúp hạn chế được các rủi ro cho nhà đầu tư, vì bản chất, phần lớn các nhà đầu tư cá nhân không có đủ chuyên môn, kiến thức chuyên nghiệp để đánh giá rủi ro của các trái phiếu.
Tôi đánh giá cao về tiêu chí phải đưa ra xếp hạng tín nhiệm và các điều kiện liên quan đến mục đích phát hành để hạn chế các trái phiếu kém chất lượng. Việc xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp cho nhà đầu tư có cơ sở để định hạng, đánh giá chất lượng của doanh nghiệp. Còn đối với tổ chức phát hành, tiêu chí này sẽ tạo áp lực cho họ phải chuẩn hóa doanh nghiệp, chuẩn hóa dòng tiền, từ đó, hoạt động kinh doanh sẽ đi lên", bà Linh nói.
Cần thêm những điều chỉnh về chính sách
Theo Chủ tịch AAS, với mỗi một giai đoạn phát triển, Chính phủ cần nắm bắt tình hình thị trường để đưa ra những chính sách điều chỉnh để nâng cao chất lượng thị trường trái phiếu hơn nữa.
"Hiện tại, tôi đánh giá cao cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra cảnh báo cho các nhà đầu tư liên quan đến rủi ro của kênh trái phiếu bởi cũng có nhiều trái phiếu doanh nghiệp tự phát hành, tự chào bán chứ không thông qua các tổ chức tư vấn. Thực tế vẫn xảy ra trường hợp doanh nghiệp sau khi phát hành trái phiếu lại sử dụng sai mục đích, hoặc không hiệu quả, gây rủi ro cho nhà đầu tư", bà Linh nói.
Theo đó, Chủ tịch AAS cho rằng, nên ràng buộc thêm các tiêu chí về đơn vị tư vấn, đơn vị bảo lãnh để tăng cường chất lượng trái phiếu và đảm bảo thanh khoản cho trái phiếu.
"Trên thị trường trái phiếu hiện tại thì đến 40% đến từ các doanh nghiệp bất động sản. Dòng tiền của các doanh nghiệp này không được ổn định như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác nhưng họ lại có tài sản đảm bảo. Còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất thì họ có hạn chế về tài sản đảm bảo nhưng lại có dòng tiền tốt để đảm bảo việc thanh toán cho trái phiếu. Theo đó, việc lựa chọn trái phiếu sẽ tùy khẩu vị của nhà đầu tư nhưng cũng cần nêu cao vai trò của nhà tư vấn phát hành cũng như các nhà tư vấn đầu tư".
Về triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA đánh giá, dư địa tăng trưởng là rất lớn.
"Trong quý 1 vừa qua, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP. Nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh phục hồi sau đại dịch sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tỷ lệ dân tham gia vào thị trường trái phiếu của chúng ta so với các nước có nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển vẫn còn khá thấp. Hiện trái phiếu doanh nghiệp nước ta mới chỉ chiếm khoảng 20% GDP trong khi so với các quốc gia ASEAN đi trước, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải chiếm 40-50%, thậm chí có quốc gia lên đến 90% GDP.
Với dư địa như vậy, trong thời gian tới, tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của nước ta vẫn khá lớn, tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn chúng ta cần phải có những điều chỉnh chính sách để chuyển từ phát triển về lượng sang phát triển về chất", Tổng thư ký VBMA nhận định.
Nguồn: