Cả ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn đều được hỗ trợ từ cơ chế dự kiến

22/11/2024
Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức công bố dự thảo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cơ chế này được xây dựng cụ thể trong dự thảo thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona ( Covid-19 ).

Theo dự thảo, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Một là, khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hai là, khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23/01/2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định nói trên mà thời hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng từ ngày 23/01/2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại các quy định trước đây.

Như vậy, ở cơ chế dự kiến trên, Ngân hàng Nhà nước đã trù tính khoảng thời gian hỗ trợ thêm 90 ngày kể từ sau thời điểm hết dịch, tạo một bước đệm cho cả ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn. Khoảng thời gian này được Ngân hàng Nhà nước giải thích là để đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền của khách hàng sau khi hết dịch.

Về mốc xác định dư nợ từ ngày 23/01/2020, Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là thời điểm mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp, người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp vói thời điểm phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với dịch Covid-19 theo Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Công bố dịch Covid-19.

Đối với số lãi phải thu của phần dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại Thông tư này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải hạch toán thu nhập mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.

Như vậy, với cơ chế dự kiến trên, cả ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn thuộc diện hỗ trợ đều được giảm thiểu áp lực.

Với doanh nghiệp, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được giữ nguyên nhóm nợ tạo điều kiện để cân đối lại dòng tiền, tránh bị hạ điểm tín dụng mà khó tiếp cận những khoản vay mới, không bị áp lãi phạt khi có nợ quá hạn như thông thường.

Với ngân hàng, cơ chế trên cũng giúp chưa ghi nhận ngay nợ xấu mà theo đó chưa phải tăng chi phí trích lập dự phòng. Mặt khác, khi khách hàng có thêm điều kiện để trả nợ, áp lực nợ xấu cũng giảm thiểu.

Như vậy, cả ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn cũng đều có thêm khoảng thời gian để tái tạo, cân đối lại dòng tiền cả sau khi hết dịch để từng bước ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh… mà tạm thời không bị gánh nặng nợ xấu, lãi phạt, chi phí trích lập dự phòng đè thêm.

Trước khi thông tư trên ban hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ đạo nhanh các tổ chức tín dụng xem xét thực hiện việc miễn, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu thời hạn trả nợ như tinh thần trên.

Từ đầu tháng 2, nhiều ngân hàng thương mại đã vào cuộc giảm lãi suất cho vay, mở các gói tín dụng mới có lãi suất ưu đãi. Từ đầu tuần nay, thị trường tiếp tục đón nhận thêm nhiều ngân hàng nữa nhập cuộc giảm lãi suất cho vay. Và đến nay đã có ít nhất 17 ngân hàng thương mại thực hiện miễn, giảm phí thanh toán, dịch vụ…

Nguồn: