Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có Công văn số 305/HHNH-PLNV về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Thông tư 01).
Trong đó, hiệp hội đề nghị cho phép cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết. Thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng cá nhân gần đây, các khoản vay tiêu dùng, vay chi tiêu qua thẻ tín dụng khi đề nghị được cơ cấu lại nợ, giãn nợ đều bị ngân hàng, công ty tài chính từ chối. Trong khi đó, lãi suất cho các khoản vay này rất cao, đặt trong bối cảnh hàng loạt lao động mất việc, giảm thu nhập do dịch bệnh thì việc trả nợ như thoả thuận ban đầu là rất khó khăn.
Theo lãnh đạo một ngân hàng, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của thẻ tín dụng. Tuy nhiên, dư nợ được xem xét cơ cấu theo Thông tư 01, 03 chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính (công ty cho thuê tài chính), không bao gồm dự nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như: thẻ tín dụng, bảo lãnh, bao thanh toán… Nhưng thực tế, đại dịch đã ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Xét trên mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch thì việc cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ thẻ tín dụng là cần thiết.
Ngoài đề xuất trên, Hiệp hội cũng đề xuất kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến "sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch" thay vì đề xuất ở dự thảo là "kéo dài cơ cấu nợ thêm 6 tháng tới 30/6/2022". Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, nếu thay đổi thời gian đến sau 3 tháng kể từ ngày hết dịch như cơ quan này đề xuất thì NHNN sẽ không phải lo liên tục sửa đổi Thông tư.
Nguồn: