Ở nhóm ngân hàng lớn, mới đây, VietinBank (CTG) đã định ngày 8/7 là ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 29%. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ của năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chia cổ tức tiền mặt của năm 2019. Sau khi hoàn thành chia cổ tức, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng thêm 10.824 tỷ đồng lên 48.058 tỷ.
MB (MBB) cũng đang tiến gần hơn tới ngày chia cổ tức khi mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thông báo cho biết nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiêtú để trả cổ tức của MB. Theo đó, ngân hàng sẽ chia cổ tức tỷ lệ 35%, tăng vốn điều lệ thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng.
Đầu tháng 6, HĐQT HDBank (HDB) cũng đã phê duyệt triển khai tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành hơn 398 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương tỷ lệ phân phối 25%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng lên hơn 20.273 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VPBank (VPB) ban đầu không có ý định chia cổ tức trong năm nay cũng bất ngờ công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chia cổ tức. Ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông ngày 13/7 để thực hiện việc lấy ý kiến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Tại ĐHĐCĐ tháng 4 vừa qua của VPBank, cổ đông đã đồng thuận việc không chia cổ tức năm 2020 mà giữ lại khoản lợi nhuận 8.851 tỷ đồng còn sau trích quỹ bắt buộc để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Các ngân hàng nhỏ cũng dồn dập triển khai kế hoạch chia cổ tức thời gian gần đây. Trong đó, HĐQT SeABank (SSB) đã thông qua việc triển khai phát hành 110,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 9,12% để trả cổ tức năm 2021. Đồng thời, ngân hàng cũng phát hành 23,5 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 13.400 tỷ đồng.
OCB đã được Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.739 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chua phấn phối lũy kế. Theo đó, OCB sẽ phát hành gần 274 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 25% để tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng.
Kienlongbank (KLB) thì cho biết, chậm nhất cuối quý 3, ngân hàng sẽ hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ phát hành gần 41,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 13%. Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của Kienlongbank sẽ tăng lên 3.653 tỷ đồng.
BacABank (BAB) cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 446 tỷ đồng lên hơn 7.500 tỷ bằng hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 6,3%.
Ngoài những ngân hàng trên đang tiến hành kế hoạch thì nhiều ngân hàng khác đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ đầu năm đến nay.
Mới đây, ngày 11/6, VietBank (VBB) đã hoàn tất phát hành hơn 58,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 14%. Vốn điều lệ của ngân hàng theo đó tăng lên gần 4.800 tỷ đồng.
Cũng ngày 11/6, ACB đã phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 25%, tăng vốn điều lệ lên hơn 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết dự kiến chuyển giao cổ phiếu trước ngày 30/6/2021.
VIB ngày 10/6 hoàn tất phát hành hơn 443,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 40%. Qua đó, vốn điều lệ của ngân hàng tăng mạnh từ 11.094 tỷ đồng lên 15.551 tỷ đồng. Ngày dự kiến chuyển giao cổ phiếu trước 30/9/2021.
SHB ngày 17/5 đã phát hành hơn 175 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10%. Số cổ phiếu này cũng đã chính thức được giao dịch từ ngày 16/6. Vốn điều lệ của SHB sau khi chia cổ tức tăng lên 19.260 tỷ đồng.
Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng tăng được vốn điều lệ, có nguồn vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh. Các kế hoạch tăng vốn của ngân hàng cũng góp phần tạo nên sóng tăng giá của cổ phiếu các nhà băng thời gian qua. SSB tăng hơn 130% kể từ khi lên sàn hồi tháng 3; SHB tăng hơn 58% kể từ đầu năm, MBB tăng hơn 80%, CTG tăng hơn 50%,…
Nguồn: