Theo đó, Tết Dương lịch ngân hàng A này thưởng cho mỗi cán bộ nhân viên 1 triệu đồng, Tết âm lịch là 3 triệu đồng. Ngoài ra ngân hàng cũng có thêm tháng lương thứ 13.
Như vậy tình hình thưởng Tết của ngân hàng A. nói trên có vẻ "kém xôm" nhất trong số các ngân hàng đã công bố thưởng cho đến lúc này.
Trước đó, ngân hàng V. có trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh công bố thưởng Tết âm lịch là 1-5 tháng lương tùy mức độ hoàn thành KPI cũng như vị trí trong ngân hàng, kết hợp với mỗi người được 1 tháng lương thứ 13, tất cả sẽ được chi trả sau Tết Dương lịch.
Ngân hàng H. cũng ở Tp. Hồ Chí Minh (ngân hàng nước ngoài) thì thưởng Tết Dương lịch từ 1,5 tháng đến 4 tháng lương, cộng với chi trả tháng lương thứ 13, trong đó lương tháng 13 đã trả hôm 25/12 vừa qua còn thưởng Tết sẽ chi trả vào ngày 03/1. Tết Âm lịch ngân hàng này chưa công bố.
Tại ngân hàng I., cán bộ nhân viên ngân hàng này cho biết thưởng Tết dương lịch năm nay được 1 tháng lương cơ bản, quy ra khoảng 8 triệu đồng/người ở mức nhân viên, còn Tết âm lịch như thế nào cũng chưa được công bố.
Một ngân hàng khác là B. có trụ sở tại Hà Nội cho biết sẽ công bố thưởng Tết (cả âm lịch và dương lịch) vào ngày 31/12 tới. Theo "truyền thống" thì ngân hàng này sẽ thưởng Tết Dương lịch là 1 triệu đồng, có tháng lương thứ 13 và Tết âm lịch cũng có nhưng không nhiều. B. là ngân hàng nhỏ.
Ngân hàng V. lớn trụ sở ở Hà Nội được cho là ngân hàng công bố thưởng Tết Dương lịch sớm nhất. Cụ thể, trong công văn gửi tới giám đốc các chi nhánh của ngân hàng hôm 6/12 về việc bổ sung lương dịp Tết Dương lịch, ban lãnh đạo nhà băng này quyết định "bổ sung tiền lương" tháng thứ 13 cho người lao động và đã nhận từ hôm 10/12 vừa rồi. Theo cán bộ nhân viên ngân hàng này vẫn nói vu thì "mức thưởng năm nay là cao hơn mong đợi, mọi năm họ chỉ được nhận 2 triệu đồng, trừ thuế còn 1,8 triệu".
Một ngân hàng V. khác được cho là thưởng lớn nhất hệ thống trong năm nay. Tuy nhiên theo cán bộ nhân viên ở đây tiết lộ, họ sẽ không nhận thưởng "một cục lớn" vào cuối năm, mà chỉ ở mức theo đúng quy định của pháp luật, phần khác sẽ rải rác đều đều trong năm. Ngoài thưởng vào các dịp cuối quý, bán nên, cuối năm, các ngày lễ lớn của đất nước, sinh nhật ngân hàng...thì còn áp dụng chính sách gọi là "bổ sung lương kinh doanh". Chẳng hạn thay vì bình thường hàng tháng chỉ nhận được 100% lương, thì được tạm ứng chi thêm khoảng 20%/tháng; tức là nhận 120% lương mỗi tháng, tương đương được nhận thêm 2,4 tháng lương/năm cho phần tạm ứng thêm lương này.
Ở Ngân hàng V. khác nữa cũng có trụ sở tại Hà Nội thì cho biết đối với Tết Dương lịch ngân hàng có tháng lương thứ 13. Còn với Tết âm lịch, do năm nay hai dịp Tết Dương lịch và âm lịch gần nhau nên ngân hàng không kịp tổng kết đánh giá để chi thưởng. Bởi vậy trước Tết âm lịch khoảng 1 tuần sẽ chi trả thưởng tết một phần người lao động, rồi sau Tết sẽ trả nốt phần còn lại sau khi hoàn tất đánh giá. Thông thường ngân hàng sẽ chia rõ hai bộ phận "back" và "front", trong đó khối Front sẽ thưởng theo hiệu quả kinh doanh còn khối back sẽ thưởng 1-5 tháng lương tùy mức độ hoàn thành công việc.
Ở ngân hàng O. và ngân hàng G. thì cho biết vài năm trở lại đây đều không có thưởng do ngân hàng còn khó khăn. Và mặc dù cũng buồn khi nghe ngân hàng khác thông báo thưởng nhưng họ đã "quen" mỗi khi Tết đến Xuân về, và họ đang mong đợi Tết năm sau sẽ ấm no hơn khi ngân hàng tái cơ cấu xong.
Nhìn chung năm 2019 là một năm kinh doanh thuận lợi với hầu hết các ngân hàng trong hệ thống, nhiều nhà băng lãi cao kỷ lục, bởi vậy các mức thưởng cho Tết 2020 cao hơn so với mọi năm cũng là điều dễ hiểu. Nói như lãnh đạo các ngân hàng thì cần thiết phải chi trả mức lương và thưởng tốt cho người lao động để động viên họ đã nỗ lực phấn đấu suốt một năm qua cho ngân hàng đi lên, khuyến khích họ làm việc hiệu quả hơn nữa để tạo ra nhiều lợi ích hơn cho ngân hàng và cổ đông.
Nguồn: