Các ngân hàng trung ương hàng đầu thận trọng về tác động của vaccine COVID-19 với nền kinh tế

25/11/2024
Ba trong số các ngân hàng trung ương lớn hàng đầu thế giới cho biết nền kinh tế tiếp tục cần sự hỗ trợ dù có những tiến bộ trong hoạt động phát triển vaccine COVID-19.

Các ngân hàng này gồm: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến do ECB tổ chức, Chủ tịch Fed Jerome Powell, Thống đốc BoE Andrew Bailey và Chủ tịch ECB Christine Lagarde đều hoan nghênh kết quả thử nghiệm sơ bộ một loại vaccine của BioNTech và Pfizer hợp tác phát triển đã đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, cả 3 quan chức cấp cao cũng nhấn mạnh mối đe dọa dài hạn của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết rủi ro chính đối với nền kinh tế Mỹ là dịch bệnh ngày càng lan rộng. Các tin tức về vaccine là "yếu tố lạc quan cho trung hạn", nhưng còn quá sớm để có thể đánh giá những tác động đối với nền kinh tế Mỹ.

Khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Mỹ, vài tháng tới, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Các ngân hàng trung ương hàng đầu thận trọng về tác động của vaccine COVID-19 với nền kinh tế - Ảnh 1.

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ản: CBSNews)

Quan điểm trên cũng nhận được sự ủng hộ của Thống đốc BoE Bailey. Thống đốc BoE cho rằng các tin tức về vaccine ngừa COVID-19 là "rất đáng khích lệ" và nền kinh tế cần những thông tin lạc quan như vậy vào lúc này. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng vaccine chưa có mặt trên thị trường vào thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, các ngân hàng trung ương và chính phủ sẽ cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ để tránh những thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế.

Tại sự kiện, bà Lagarde cho biết ECB có thể sẽ có thêm gói kích thích mới tại cuộc họp ngày 10/12 tới, trong khi ông Powell nói rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã thảo luận cần điều chỉnh chương trình mua trái phiếu của họ như thế nào để tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế. FED đang mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, gồm 80 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 40 tỷ USD trái phiếu thế chấp, để cố gắng giữ chi phí vay dài hạn ở mức thấp.

Bài phát biểu của 3 vị quan chức cấp cao diễn ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới tăng cao trở lại, gây áp lực buộc các chính phủ và ngân hàng trung ương phải tiến hành nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Cả ECB, FED và BoE đều triển khai những gói kích thích quy mô lớn như cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu nhằm giữ chi phí đi vay hợp lý cho các doanh nghiệp và hỗ trợ họ phục hồi.

Nguồn: