Cách giao dịch ngân hàng an toàn trong Covid-19

19/05/2024
Giao dịch trực tuyến là ưu tiên của nhiều người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Nguyễn Trung Kiên làm nghề môi giới bất động sản tại sàn Đông Thành (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội). Thời gian này, khi Hà Nội trở thành vùng có dịch, anh hạn chế gặp gỡ khách và tăng cường trao đổi qua điện thoại, tin nhắn. Tuy nhiên do đặc thù công việc nên tuần nào anh cũng vẫn phải ra ngân hàng 1-2 lần.

Một khách hàng giao dịch qua app điện thoại.

Một khách hàng giao dịch qua app điện thoại.

"Trong mua bán bất động sản, người bán và người mua sau khi thỏa thuận và hoàn tất thủ tục tại văn phòng công chứng sẽ chuyển tiền cọc tại ngân hàng nên tôi không thể né tránh", anh nói.

Để tự bảo vệ bản thân, anh luôn trang bị khẩu trang, sử dụng nước khử trùng. Trước đây, các ngân hàng cấm khách đeo kính đen, bịt mặt. Ngay từ những ngày đầu dịch, sau khi có chỉ thị của cơ quan quản lý, hầu hết nhà băng cho phép khách đeo khẩu trang khi giao dịch tại quầy.

Còn chị Lưu Thị Hạnh (Yên Nghĩa, Hà Đông) là kế toán một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Hà Nội, thường xuyên có nhiều giao dịch cần thực hiện với đối tác. "Những nơi đông người như ngân hàng có thể là nguồn lây bệnh. Thời điểm hiện tại, nhu cầu của khách không cao nên tôi cố gắng thu xếp để không phải đến ngân hàng. Khi cần giao dịch, tôi tìm cách để thực hiện qua hình thức online", chị Hạnh nói.

Không riêng chị Hạnh, nhiều người đang chọn các hình thức giao dịch trực tuyến thay vì đến trực tiếp tại ngân hàng. Những ngày qua tại một số phòng giao dịch của VPBank, Techcombank, SeABank... theo ghi nhận lượng khách hàng đến quầy khá vắng. "Dịch diễn biến rất phức tạp, Hà Nội đã thành vùng có dịch nên khách ưu tiên các sản phẩm hoặc dịch vụ trực tuyến", một nhân viên tại TPBank Phạm Hùng nói.

Nhân viên TPBank hỗ trợ khách hàng giao dịch tại một LiveBank.

Nhân viên TPBank hỗ trợ khách hàng giao dịch tại một LiveBank.

Theo thống kê, lượng chuyển khoản online thời gian dịch bệnh liên tục tăng cao, 20 đến 30% so với thông thường. Hầu hết nhà băng giới hạn số lượng tiền giao dịch trực tuyến mỗi lần và mỗi ngày, song nhiều người sẵn sàng chia nhỏ giao dịch để thực hiện online nhiều lần thay vì ra trực tiếp quầy.

Tại TPBank, bên cạnh hai hình thức giao dịch Internet Banking nhiều người chọn LiveBank. Những người có kinh nghiệm cho biết trừ một số nhu cầu đặc biệt, hiện tại hầu hết các giao dịch cơ bản đều thực hiện được mà không cần gặp nhân viên ngân hàng. Bên cạnh việc rút và nộp tiền đơn giản, thậm chí việc mở thẻ ATM, thẻ tín dụng lấy ngay, mở sổ tiết kiệm hay chuyển tiền mặt vào tài khoản hiện cũng có thể thực hiện được tại LiveBank của TPBank. Đây là ngân hàng duy nhất hiện có quầy giao dịch tự động.

"Điểm đặc biệt của LiveBank hoạt động 24/24 không quy định giờ mở cửa đóng cửa như quầy giao dịch, nên tôi có thể ra bất cứ lúc nào không cần chờ đợi", Minh Như - một khách hàng TPBank nói. Thời gian xử lý mỗi giao dịch trong vòng một phút, nhanh hơn nhiều lần so với việc giao dịch tại quầy.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết, để bảo đảm an toàn cho cho khách hàng, hệ thống LiveBank luôn được lau dọn vệ sinh, khử trùng thường xuyên trên các bề mặt khách hàng hay tiếp xúc: cửa phòng máy, bề mặt máy ATM, tay nắm cửa. Toàn bộ tư vấn viên và bảo vệ trang bị khẩu trang y tế, cùng với dung dịch rửa tay luôn sẵn sàng tại phòng máy, khách hàng có thể yên tâm khi giao dịch tại LiveBank. Hiện số lượng khách hàng giao dịch tại các kênh online của ngân hàng trong đó ngân hàng tự động LiveBank tăng gần 30% so với tháng trước.

"Chúng tôi tự tin hệ thống LiveBank có thể đáp ứng hầu hết các giao dịch giống như một quầy giao dịch truyền thống và an toàn trong mùa dịch. Khách hàng không phải xếp hàng, chờ đợi lâu hay phải tiếp xúc với bất kỳ ai", ông Nguyễn Hưng nói.

Quang Thái

Nguồn: