Cân đối lãi suất

23/12/2024
Tác động của các lần hạ lãi suất về sau tới nền kinh tế sẽ dần hạn chế. Chuyên gia cho rằng lãi suất tại Việt Nam cần giữ ở mức trung bình cao so với các nước trên thế giới. Lãi suất không phải rào cản khiến tín dụng tăng trưởng chậm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiếp tục hạ nhiều các lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm... 50 điểm cơ bản từ 1/10. Vào tháng 5, cơ quan này cũng giảm một loạt lãi suất điều hành sau khi có động thái tương tự vào tháng 3. So với đầu năm, lãi suất điều hành đã thấp hơn 1,5-2 điểm phần trăm.

Theo NHNN, giảm lãi suất điều hành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc hạ lãi suất điều hành của NHNN sẽ mang yếu tố tâm lý. Điều này cho thấy quyết tâm của cơ quan này trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, qua đó các ngân hàng thương mại cũng sẽ có hành động tương tự, tạo nền tảng để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Chuyên gia Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Tài chính, cũng nhận định động thái của NHNN phù hợp với diễn biến thị trường bởi lạm phát đang có xu hướng giảm, trong khi tín dụng tăng trưởng chậm và thanh khoản ngân hàng dồi dào.  

Báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đề cập hạ lãi suất thể hiện nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm.

Tác động giảm dần

Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research, lãi suất tiền gửi VND đã giảm từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng 1,2-2,5 điểm phần trăm năm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 3-3,8%/năm, cá biệt một số ngân hàng chỉ 2,2-2,5%/năm, thấp hơn trần mới.

Đồng quan điểm, BVSC nhận định lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại các NHTM đã giảm trước đó, do thanh khoản dư thừa trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp (đến 22/9 chỉ tăng 5,12%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,12%). Đơn vị này cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu.

Cân đối lãi suất - Ảnh 1.

BVSC cũng cho rằng tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế. Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục, các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khẩu từ NHNN. Điều này đồng nghĩa, việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng. Các lãi suất mới giữa NHNN và ngân hàng thương mại (NHTM) không có nhiều tác động. 

Mặt khác, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, lãi suất tại Việt Nam cần phải giữ ở mức trung bình cao so với các nước trên thế giới. Tại tọa đàm toàn cảnh ngân hàng, ông Lực đưa ra 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất, lạm phát của Việt Nam tương đối cao, khoảng 3,5 - 4%. Thứ hai là rủi ro nền kinh tế, doanh nghiệp của Việt Nam rất lớn. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là BB, tương đương với mức đầu cơ, vì vậy lãi suất đi vay quốc tế bằng USD luôn từ 5%/năm đến 7%/năm. Nếu một tổ chức đầu tư vào Việt Nam bằng VND, họ yêu cầu lợi suất sinh lời khoảng 15%/năm.

Nguyên nhân thứ ba là chi phí giao dịch của nền kinh tế của chúng ta rất lớn cả chính thức và không chính thức. Lý do cuối cùng là lãi suất đầu vào vẫn phải duy trì ở mức tương đối hấp dẫn để thu hút người dân gửi tiết kiệm. Bởi những lý do trên, tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất Việt Nam khó có thể giảm nhiều hơn. Ưu tiên của cơ quan điều hành là ổn định mặt bằng lãi suất. 

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định bên cạnh tác động tích cực, cắt giảm lãi suất cũng tiềm ẩn rủi ro như khiến lạm phát tăng. Bên cạnh đó, lãi suất giảm xuống mức thấp có thể khiến hình thành một dòng tiền chảy khỏi ngân hàng, rót vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ như vàng, chứng khoán, bất động sản… từ đó hình thành bong bóng tài sản. 

Nguồn: