Cần giám sát nợ xấu từ BOT

22/11/2024
Nhu cầu vốn càng cao, càng dễ xảy ra rủi ro nợ xấu. Vậy làm thế nào để tránh “vết xe đổ” nợ xấu trong cho vay của một số dự án BOT giao thông, theo các chuyên gia rất cần một cơ chế giám sát chặt chẽ đi kèm cảnh báo sớm.

Tại hội nghị sơ kết 2 năm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và tái cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 vừa diễn ra, NHNN cho biết, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu. Mỗi tháng, toàn hệ thống xử lý được 9.600 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42 (về xử lý nợ xấu).

Tại hội nghị này, câu chuyện huy động vốn cho các dự án lớn trong thời gian tới và giải pháp tránh vết xe đổ nợ xấu được đề cập. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, với việc hủy đấu thầu quốc tế dự án lớn cao tốc Bắc - Nam, nếu ngân hàng trong nước không hợp vốn thì sẽ không thực hiện được.

Để xử lý “cục máu đông” nợ xấu đang tồn tại và tránh phát sinh trong tương lai, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giải pháp quan trọng là tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, cơ chế cảnh báo sớm. Chính phủ quy định, định kỳ 6 tháng NHNN phải báo cáo lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kết quả thanh tra, kiểm tra.

“Không thể để kết quả thanh tra, kiểm tra ngành ngân hàng như “hộp đen”. Nếu có sai phạm, thanh tra NHNN không phát hiện, không cảnh báo sớm sẽ phải chịu trách nhiệm. Trước đây, Chính phủ không nhận được báo cáo thanh tra giám sát ngân hàng. Từ ngày tôi họp, tôi yêu cầu NHNN phải báo cáo định kỳ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra, giám sát (NHNN) cũng cho biết, việc thanh tra, giám sát giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo rủi ro, sai phạm trong hoạt động ngân hàng. Ông Du dẫn ví dụ, từ năm 2018 đến tháng 8/2019, với gần 2.300 cuộc thanh kiểm tra, NHNN đã yêu cầu tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại sai phạm. NHNN cũng có gần 200 văn bản chấn chỉnh, cảnh báo nguy cơ rủi ro sai phạm gây mất an toàn hoạt động tổ chức tín dụng.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam(BIDV) cho rằng, để giải quyết nợ xấu, trong đó có nợ xấu từ BOT cần sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành liên quan theo tinh thần Nghị quyết 42. Các vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42 (hướng dẫn của bộ ngành, các bên có liên quan về tạo lập thị trường mua bán nợ, trong đó có cả nợ xấu) cần được thúc đẩy xử lý nhanh hơn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, cơ chế mua bán nợ xấu vẫn chưa được hoàn thiện. Theo ông Thịnh, tùy vào mức độ nợ xấu, khi bán phải giảm giá. Tuy nhiên, việc này rất có thể vướng vào lao lý, nên không ai dám làm. Ông Thịnh dẫn ví dụ, tài sản thế chấp phải bán 1 tỷ đồng nhưng hiện nay tài sản này xuống giá, chỉ bán được vài trăm triệu đồng. Cán bộ không dám ký để bán và tài sản này vẫn nằm đó. Thực tế về hình sự hóa các quan hệ kinh tế cũng gây trở ngại cho hoạt động thanh lý tài sản đảm bảo.

“Để giải quyết nợ xấu, trong đó có nợ xấu từ BOT cần sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành liên quan theo tinh thần Nghị quyết 42. Các vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42 cần được thúc đẩy xử lý nhanh hơn”. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV


Nguồn: