Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trở lại, xung đột Mỹ- Trung leo thang, USD mất giá mạnh... đã đẩy giá vàng quốc tế lên tới 2.074USD/oz và giá vàng trong nước cũng vọt lên tới gần 63 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, ở thời điểm đó, giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi tới hơn 4 triệu đồng/lượng và chênh lệch giá mua- bán cũng được đẩy lên tới khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Dù đến nay, giá vàng trong nước đã tạm thời "hạ nhiệt" xuống 54- 55 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn ở mức cao trong nhiều năm qua. Chênh lệch giá mua- bán vẫn ở mức 1,7 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh thị trường vàng Việt Nam đang được thả nổi về giá như hiện nay, có nghĩa là hiện chưa có quy định nào về biên độ giá vàng, thì việc các doanh nghiệp duy trì mức chênh lệch giá mua- bán lớn như trên là lẽ đương nhiên. Điều này luôn đẩy rủi ro về phía người mua, còn người bán sẽ giảm thiểu được rủi ro khi giá vàng biến động bất lợi.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để giảm thiểu tình trạng chênh lệch giá vàng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thì NHNN cần sớm trình Chính phủ lộ trình thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Với Sở giao dịch vàng, các nhà đầu tư không phải cầm vàng đến hoặc mang vàng về sau mỗi lần giao dịch, mà có thể ký gửi tại các trung tâm lưu ký. Điều này sẽ vô cùng tiện lợi và bớt rủi ro hơn rất nhiều so với phương thức mua bán vàng truyền thống. Giá mua, bán được ghi số ngay trên tài khoản vàng của khách hàng, nhà đầu tư có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống.
"Sở dĩ các sàn vàng trước đây tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây ra nhiều hệ lụy đối với các nhà đầu tư như vậy là do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với loại hình hoạt động mới này. Hơn nữa, các sàn vàng đó "mạnh ai người ấy làm", chứ chưa giao dịch tập trung tại Sở giao dịch vàng như các quốc gia trên thế giới. Do đó, tình trạng thao túng, làm giá diễn ra phổ biến", PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Sở Giao dịch vàng ra đời không chỉ góp phần liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế, giảm thiểu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, đẩy lùi tình trạng buôn lậu vàng, mà còn góp phần huy động vàng trong dân , giảm thiểu tình trạng vàng hóa nền kinh tế...
Hành lang pháp lý đối với Sở giao dịch vàng cần được quy định chặt chẽ, đặc biệt là tỷ lệ ký quỹ trong thời gian đầu phải ở mức cao, thậm chí 90- 100% để tránh tình trạng đầu cơ, làm giá, sau đó giảm dần theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần có quy định về tiêu chuẩn vàng được phép giao dịch, vì thị trường vàng Việt Nam đang tồn tại rất nhiều loại vàng. Ngoài ra, Sở giao dịch vàng cũng cần có đầy đủ các công cụ phái sinh để giúp doanh nghiệp, các nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng...
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, trong thời gian chưa thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia, thì cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng giảm thiểu các biện pháp quản lý hành chính. "Những biện pháp hành chính chỉ có tính tình thế, đối phó cục bộ. Từ nhiều năm nay, thế giới đã chuyển hướng từ thị trường vật chất sang thị trường tài chính với các sản phẩm đầu tư tiện ích hơn (như chứng chỉ quỹ...). Trong khi đó, Việt Nam vẫn quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng, khiến cho danh mục sản phẩm tài chính bị hạn chế", PGS. TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Nguồn: