Các Bộ, ngành đã đề xuất Chính phủ cần có một gói tài chính hỗ trợ an sinh xã hội. Trong cuộc họp gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ, “tình thế cấp bách, đòi hỏi trước mắt Đảng, Chính phủ phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động nghèo, người yếu thế… Hiện thực hóa chủ trương này, Chỉ thị về “Các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” đã được ban hành, nhưng nội dung về gói hỗ trợ đang tiếp tục được xem xét phê chuẩn.
Đây là một việc làm chưa có tiền lệ và nguồn lực của chính phủ eo hẹp. Xin không bàn về những nội dung chi tiết, những đối tượng cụ thể được đề cập trong gói tà chính này. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu quan sát thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội những ngày qua, nếu phân tích cụ thể và có thể nhận định tình hình trong và ngoài nước thời gian tới, những gói cứu trợ như vậy là thực sự cần thiết và nên được giải ngân sớm nhất có thể.
Góc nhìn của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV góp phần làm rõ quan điểm này:
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Quý I tăng trưởng GDP 3,82% - giảm chỉ bằng một nửa cùng kỳ 2019. Thế thì, như chúng ta biết, Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng Chính phủ là cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, tình trạng hết sức khẩn trương. Và mặc dù tăng trưởng dương - tăng trưởng tương đối khả quan, nhưng sắp tới đây sẽ biến chuyển xấu như thế nào, chưa ai dự báo được.PV: Thưa ông, ông có suy nghĩ gì về những số liệu thống kê về tình hình kinh tế quý 1 vừa qua, đặc biệt là về những giải pháp phục hồi tăng trưởng sau khi hết dịch Covid-19?
Tôi nhấn mạnh chữ xấu vì không thể tốt được khi dịch bệnh lan tràn trên cả thế giới. Chính phủ cách ly toàn xã hội là một chỉ đạo rất đúng đắn. Nó thể hiện kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng như thế nào trong thời gian sắp tới là một ẩn số rất lớn và nó tuỳ thuộc vào cách chúng ta kiểm soát và xử lý được dịch bệnh.
Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta kiểm soát được dịch bệnh trong Quý II, đến cuối tháng 6, không sự lây nhiễm tiếp và không có người chết trong dịch bệnh thì kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục sau đó ít nhất là phải 6 tháng.
Trong năm 2020 có lẽ phải chấp nhận một sự suy giảm trầm trọng không những Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chúng ta phải biết rằng ngay cả Chính phủ Mỹ đã phải đưa ra một gói hỗ trợ đến 2.200 tỷ USD để cứu nền kinh tế. Đây là một hiện tượng khẳng định tác hại của dịch bệnh cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
PV: Như vậy là chúng ta không thể có những giải pháp có thể giúp phục hồi tăng tăng trưởng nhanh chóng. Thế nhưng, liệu có những giải pháp có thể hỗ trợ tăng trưởng dần dần, để tiến tới những mục tiêu như ông vừa mới nêu?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là chúng ta cần thời gian. Thứ nhất là chúng ta hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc tạm nghỉ, nhất là những hộ kinh doanh, đặc biệt là nhà hàng ăn uống, người lao động phải nghỉ việc. Vậy, Chính phủ phải có ngay một gói hỗ trợ. Nói là hỗ trợ thì cũng còn quá nhẹ. Phải có một gói giải cứu nền kinh tế.
Cách đây chỉ vài ngày thôi, rất nhiều chuyên gia ngần ngại nói về một gói giải cứu, nhưng bây giờ tất cả mọi người thấy tình trạng bệnh dịch phức tạp, tác động đến mọi nền kinh tế. Không thể nói một kích thích, một gói hỗ trợ nữa mà phải nói là gói giải cứu, trước hết phải giải cứu người lao động, để có thể họ duy trì được sinh hoạt mức tối thiểu.
Thứ hai, rất nhiều doanh nghiệp đang lao đao. Với những doanh nghiệp đang rất vất vả cầm cự với tác động của dịch bệnh, việc đầu tiên phải giữ cho họ duy trì được tính thanh khoản. Thanh khoản đây có nghĩa là khả năng chi trả: Trả tiền nhà, trả tiền thuê mặt bằng, trả lương cho người lao động, trả nợ cho ngân hàng, trả thuế cho Chính phủ… Vì thu nhập của họ đã bị hạn chế hoặc có thể bị biến mất rồi, trong khi những chi phí đó vẫn còn tiếp tục, thì phải có ngay những biện pháp để hỗ trợ.
Phải có một cái gói trực tiếp cứu nguy nền kinh tế từ Chính phủ. Chúng ta không thể dựa vào chỉ có hệ thống ngân hàng. Như mới đây, Chính phủ cũng đã qua Ngân hàng Nhà nước có gói 250.000 tỷ để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng tiền đó là tiền của các ngân hàng. Chính phủ phải có một số tiền của ngân sách - do Bộ Tài chính chủ trì và giải nguy các doanh nghiệp.
Rồi qua việc giải nguy nền kinh tế như thế, chúng ta có những biện pháp để sau dịch phục hồi dần dần nền kinh tế, nhưng chắc chắn, như tôi đã nói ít nhất cũng phải 6 tháng, thậm chí một năm trời. Phải nuôi người dân, nuôi doanh nghiệp từ sau dịch bệnh, đến khi phụ hồi, Chính phủ phải có cái gói hỗ trợ lớn như thế.
Về phía người dân thì làm sao tiết kiệm được, chỉ chi tiêu những gì cơ bản nhất để duy trì sinh hoạt của mình, cho gia đình mình. Các doanh nghiệp cũng vậy, phải có một lên một kế hoạch để duy trì, đặc biệt làm cách nào đó giữ chân người lao động của mình nhiều nhất có thể. Khốn khó quá thì cho họ nghỉ việc nhưng giúp họ một phần lương. Nếu mà tài chính của mình tương đối vững vàng thì trả lương cho họ một nửa. Đó là những cái chúng ta cần phải làm ngay.
PV: Thưa ông, giải pháp vĩ mô là động lực, quan trọng, vẫn là nội lực. Ông suy nghĩ như thế nào về quan điểm này và liệu rằng điều này thì có đúng với tất cả các doanh nghiệp hay là thực sự có những lĩnh vực, có những doanh nghiệp không thể xoay chuyển được trong tình thế này?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là một giải pháp vĩ mô thì dĩ nhiên là quan trọng. Tôi vừa mới chỉ trình bày quan điểm đối với người dân và các doanh nghiệp. Còn về phía Chính phủ, cần lên ngay một phương án với những kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản là chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh cho đến cuối tháng 6 và có kịch bản chúng ta kiểm soát được cho đến cuối năm.
Dưới những chương trình như vậy sẽ có tình huống, bối cảnh khác nhau, để có giải pháp vĩ mô. Trong giải pháp vĩ mô đó chắc chắn là có vấn đề giải cứu nền kinh tế, giải cứu doanh nghiệp và người lao động, rồi trong đó có giải pháp về y tế.
Những giải pháp vĩ mô, chẳng hạn như biến nền kinh tế của chúng ta nhanh chóng trở thành một nền kinh tế kỹ thuật số. Như chúng ta biết rằng, hiện tại rất nhiều doanh nghiệp họ không có đến làm việc, cả người lao động, mà thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin, ở nhà, làm việc trực tuyến; Thì Chính phủ “lợi dụng” ngay thời gian này để biến nền kinh tế Việt Nam trở thành một nền kinh tế kỹ thuật số trong thời gian ngắn nhất có thể. Như vậy rõ ràng, giải pháp vĩ mô là rất quan trọng.
Còn với câu hỏi là có những doanh nghiệp nào mà có thể không xoay chuyển được không, thì tôi nghĩ rằng có thể có. Chúng ta đang nói đến dịch bệnh - tác động rất mạnh đến ngành du lịch, ngành hàng không, ngành giao thông vận tải, ngành khách sạn, rồi một số ngành nghề tiêu dùng… sẽ khiến một số doanh nghiệp biến mất trên thị trường.
Chúng ta không thể nào giải cứu 100% doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp họ đã phá sản và không thể nào trở lại thị trường được, chúng ta chấp nhận điều đó. Có những doanh nghiệp còn lại thì dĩ nhiên là mình hỗ trợ để họ có khả năng duy trì sự tồn tại của họ và phục hồi.
Chính phủ phải hỗ trợ cho họ để họ xoay chuyển. Tôi bảo đảm rằng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp có cơ hội, tiềm năng để phục hồi, nhưng nếu không có bàn tay cứu vớt của Chính phủ thì họ sẽ phá sản và rút khỏi thị trường vĩnh viễn. Tức là họ trong tình thế không thể xoay chuyển được. Do đó, Chính phủ cần phải có một gói cứu trợ ngay.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Nguồn: