Cẩn trọng nguy cơ vỡ nợ tín dụng tiêu dùng

22/11/2024
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, khiến kinh tế của nhiều quốc gia suy giảm mạnh, kéo theo nhiều người bị mất việc làm và mất khả năng thanh toán nợ vay tiêu dùng.

Làn sóng vỡ nợ tín dụng tiêu dùng

Trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng khắp toàn cầu, nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới, nguồn cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh, các doanh nghiệp rơi vào tình thế "sống dở chết dở"... Trước thực trạng này, các nhà phân tích cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nhiều hộ gia đình trên toàn cầu bắt đầu mất khả năng thanh toán các khoản nợ vay tiêu dùng.

Tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh COVID-19 đã cướp đi nhiều mạng sống và gây tổn thất nặng nề cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2020, các khoản nợ tín dụng quá hạn trong tháng 2 đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Qudian Inc, một doanh nghiệp cho vay tiền online có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết, tỷ lệ vi phạm hạn thanh toán tăng lên 20% trong tháng 2 so với mức 13% vào cuối năm ngoái.

"Tình trạng nợ tín dụng quá hạn thanh toán của các tổ chức, cá nhân tại Trung Quốc chắc chắn sẽ lan rộng sắp ra thế giới", ông Martin Chorzempa, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, nhận định.

Ông Zhao Jian, Trưởng phòng nghiên cứu của Tập đoàn Atlantis Financial cho biết, tỷ lệ vỡ nợ của người tiêu dùng tại một số ngân hàng ở Trung Quốc đã tăng lên mức 4%, so với khoảng 1% trước khi dịch bệnh diễn ra.

"Tỷ lệ nợ tiêu dùng trên thu nhập tại Trung Quốc đã tăng lên 92% tại cuối năm 2018, từ mức 30% của 1 thập kỷ trước, vượt mặt Đức và gần bằng mức của Mỹ và Nhật Bản. Kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh sẽ đẩy nhiều người vào thế không trả được nợ", ông Zhao Jian cho biết.

Đáng chú ý, China Merchants Bank Co, một trong những công ty tín dụng tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc đã công bố buộc phải tạm dừng các khoản cho vay với thẻ tín dụng sau khi các khoản vay quá hạn gia tăng nhanh chóng khi có tới hơn 8 triệu người Trung Quốc đã thất nghiệp trong tháng 2/2020.

Không chỉ Trung Quốc, mà tình trạng vỡ nợ tín dụng tiêu dùng cũng đang diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ hộ gia đình so với GDP ở nhiều nước bao gồm Pháp, Thụy Sĩ, New Zealand, Úc, Nigeria... đang ở mức cao kỷ lục. Đặc biệt, số người xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần này, đạt mức 6,6 triệu người...

Trước thực trạng nói trên, nhiều quốc gia đã tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ giúp giảm bớt tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những biện pháp như vậy có thể không giúp ích nhiều ở một quốc gia gánh nặng nợ quá lớn như Trung Quốc...

Rủi ro ở Việt Nam 

Tại Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố báo cáo mới nhất về tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Theo đó, số người đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến tháng 2/2020 là 47.164 người, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của các chuyên gia, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, thì số người thất nghiệp sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, ảnh hưởng tới khả năng thanh toán nợ tiêu dùng. Do đó cũng không ngoại trừ khả năng dẫn tới tình trạng vỡ nợ tín dụng tiêu dùng như ở Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và các TCTD, các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng không quá lớn. Bởi vì theo CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4% năm 2019, trong khi con số phổ biến ở các nước phát triển là 40-50%.

"Như chúng ta đã biết, tín dụng tiêu dùng là tín dụng cá nhân. Dịch bệnh đã khiến nhiều người đã mất hoàn toàn tiền lương, còn một số có thu nhập đã giảm sâu khoảng 50%... Do đó, khả năng trả nợ vay tiêu dùng của nhiều người rất mong manh", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết và nhấn mạnh, dịch bệnh mới bùng phát mạnh mẽ trong tháng 3, nên chưa thể xác định đâu là đỉnh dịch. Do đó, tình trạng người dân không có thu nhập để trả nợ vay tiêu dùng có thể kéo dài từ 6 tháng – 1 năm, nên nợ xấu của các ngân hàng và các công ty tài chính sẽ tăng lên rất nhanh.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, một trong những biện pháp mà tổ chức tín dụng, ngân hàng cần làm hiện nay để hạn chế nguy cơ vỡ nợ tín dụng tiêu dùng là gia hạn thời gian trả nợ cho người vay.

"Các ngân hàng, các quỹ tín dụng cần gia hạn nợ ít nhất trong vòng từ 3- 6 tháng cả lãi và gốc cho những người đi vay đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Về phía người đi vay cần phải thông báo ngay cho các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính về tình hình thu nhập, tài chính của mình để xin ân hạn khoản vay. Trong trường hợp người đi vay mất hoàn toàn khả năng thanh toán, vỡ nợ, các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính cần phải thương lượng để thống nhất giải quyết như giảm nợ, đưa ra một lộ trình trả nợ mới sau thời gian ân hạn, có thể giảm lãi suất cho họ" – TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Chia sẻ với phóng viên DĐDN, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Công ty CP Đổi mới công nghệ tài chính Fiin, cho hay Công ty đang hướng tới các khoản vay nhỏ hỗ trợ người dân trong khoảng thời gian khó khăn như thời điểm dịch bệnh hiện nay. Hiện người đi vay có thể cơ cấu khoản vay để có thể trả nợ trong khoảng thời gian 3-6 tháng, thậm chí 12 tháng. Điều này vừa giúp người đi vay có thêm thời gian trả nợ, không bị rơi vào tình trạng vỡ nợ, vừa giúp Công ty không bị mất thanh khoản.

Cẩn trọng nguy cơ vỡ nợ tín dụng tiêu dùng - Ảnh 2.

Nguồn: