Cảnh báo trái phiếu “4 không”

25/11/2024
Loại trái phiếu “4 không”: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không đánh giá tín nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng để huy động vốn.

Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến nay, đã có tổng cộng 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 22.185 tỷ đồng và 8 đợt phát hành ra công chúng giá trị 5.509 nghìn tỷ. Trái phiếu phát hành ra công chúng đã có mức tăng đáng kể (31%), song mặt khác phát hành riêng lẻ còn tăng nhanh hơn (51%).

Cảnh báo trái phiếu “4 không” - Ảnh 1.

Biểu đồ cơ cấu phát hành trái phiếu đầu năm 2022

Bất động sản vẫn dẫn đầu trong 2 tháng đầu năm

Nhóm bất động sản (BĐS) vẫn tiếp dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu đầu năm nay với tổng khối lượng phát hành đạt 15.520 tỷ đồng, chiếm 56,04%, kế tiếp là nhóm xây dựng.

Đáng chú ý trong nhóm bất động sản phát hành trái phiếu các loại 3 hoặc 4 không – do theo quy định còn hiệu lực, nhóm phát hành riêng lẻ không bắt buộc/ yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, có những tên tuổi như: Apec Group (phát hành nhiều đợt và đây là công ty đã bị phạt vì phát hành trái phiếu “chui” năm 2021); nhóm công ty có liên quan đến 1 doanh nghiệp bất động sản lớn trên sàn niêm yết gồm Nice Star và Seaside Home (huy động tổng cộng 3.000 tỷ), và Công ty Eagle Side có trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ - tòa nhà của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Building) có kinh doanh thua lỗ năm 2020 nhưng huy động tới 3.930 tỷ đồng trái phiếu…

Cũng theo VBMA, một loạt các doanh nghiệp đang có kế hoạch phát hành trái phiếu đầu năm 2022, trong đó đáng chú ý là 1.000 tỷ trái phiếu “3 không” của Công ty Đầu tư I.P.A; 400 tỷ đồng trái phiếu cũng “3 không” của DRH Holdings...

Ngoài ra cũng phải kể đến những kế hoạch phát hành trái phiếu khủng của các doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết trên sàn như Công ty Cung Điện Mùa đông,- công ty một thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vừa phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 3.230 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng quyền sử dụng đất dự án huy động vốn để triển khai…

“Vết dầu loang”

Trong bối cảnh mà vốn tín dụng vẫn không dễ tiếp cận như hiện tại, đặc biệt khi nhà đầu tư cũng không còn dễ dàng kiếm lời từ đầu tư cổ phiếu như vừa qua, thì không loại trừ sẽ có một lượng lớn trái phiếu “4 không” sẽ tiếp tục được phân phối thứ cấp đến tay các nhà đầu tư cá nhân.

Cảnh báo trái phiếu “4 không” - Ảnh 2.

Apec Group, một công ty đã bị phạt vì phát hành trái phiếu chui cuối năm 2021 vừa tiếp tục có đơn vị liên quan công bố phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động 400 tỷ đồng, lãi suất 10% cộng/ trừ 3%.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FiinGroup, thị trường có khoảng 1,2 triệu tỷ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành hiện nay sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 2 năm tới, với tỷ lệ 51,7%. Nếu “quy chiếu” lại khối lượng trái phiếu các doanh nghiệp đã phát hành trong khoảng 3 năm trái phiếu bùng nổ vừa qua, đa phần vẫn là trái phiếu riêng lẻ , với nhóm BĐS liên tiếp dẫn đầu và không ít trong đó là khối dưới sàn niêm yết, chất lượng nhà phát hành cũng như chất lượng sản phẩm trái phiếu có tỷ lệ rủi ro cao, thì khả năng đáp ứng nghĩa vụ của nhà phát hành với trái chủ đang có nhiều yếu tố đáng lo ngại.

Theo các chuyên gia, mức độ rủi ro ấy, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ như “vết dầu loang” làm bùng đám cháy khủng hoảng tài chính với chính các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư mua trái phiếu và cả thị trường. Bài học về “bom nợ” Evergrande của Trung Quốc vẫn còn nguyên giá trị.

Nguồn: