Năm 2020 đang đến gần. Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam chỉ còn đúng 1 năm để hoàn thành nhiều yêu cầu, mục tiêu lớn đặt ra trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”.
Tại thời điểm này, ngay ở một trường hợp cụ thể, có lộ trình định rõ, nhưng vẫn chưa thể thực hiện như nêu trong Đề án. Đó là trường hợp Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC ).
Đầu mối từng có vai trò lớn nhất trong gánh vác trên 300.000 tỷ đồng nợ xấu các tổ chức tín dụng bán sang những năm qua chỉ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Định hướng chuyển sang mua nợ theo giá thị trường, tham gia xử lý nợ xấu thực chất cho hệ thống, Đề án trên nêu giai đoạn 2017-2018 tăng đủ vốn cho VAMC lên 5.000 tỷ đồng, rồi đến 2020 đủ 10.000 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào tăng vốn được công bố.
Như vậy, chỉ riêng một trường hợp VAMC tưởng như tính khả thi cao về bố trí nguồn, quy trình thủ tục để tăng vốn, mà đến nay vẫn không thể đảm bảo được yêu cầu trong Đề án.
Mở rộng ra, tương tự, phương án và mục tiêu tăng vốn tại VietinBank và Agribank cũng không thể thực hiện cho đến nay. Còn lại 1 năm nữa, phương án bố trí nguồn và tăng vốn vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, đây là hai trụ cột của hệ thống.
Kết quả tích cực nhất trong thực hiện Đề án đến lúc này là áp dụng Basel II. Đề án đặt mục tiêu có 12-15 ngân hàng thương mại đạt chuẩn mực này đến 2020, thì đến 2019 đã có 18 thành viên áp dụng trước hạn.
Mục tiêu tiếp theo, đến 2020 có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á. Kết quả sẽ phải chờ bảng xếp hạng năm tới, còn hiện Việt Nam có nhóm “Big 4” đạt quy mô tổng tài sản vượt trên 1 triệu tỷ đồng mỗi thành viên.
Theo Đề án, cao điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tập trung trong năm 2020, với những mục tiêu lớn và cả những sức ép lớn.
Trước hết, như định hướng thời gian qua, năm tới các ngân hàng thương mại cổ phần còn lại sẽ phải thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Bao trùm và áp lực nhất là mục tiêu đến 2020 toàn hệ thống phải đưa được nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Tỷ lệ này từng được đề cập trong năm 2019 vào khoảng 4,8-5%.
Mục tiêu trên còn gặp thách thức đi kèm là yêu cầu phải phân bố số lãi dự thu của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định ghi nhận đến thời điểm 31/12/2016 theo quy định của pháp luật.
Còn thách thức lớn nhất đề ra tại Đề án, cũng như dồn thực hiện trong năm 2020 - năm còn lại của lộ trình, là xử lý dứt điểm các ngân hàng thương mại yếu kém.
Điểm nổi bật trong Đề án ngay từ khi ban hành hồi tháng 7/2017 đã được chú ý là Chính phủ đã nêu cả các biện pháp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật khi thực hiện tái cơ cấu giai đoạn này.
Cụ thể, Đề án có điểm nêu: “Trường hợp ngân hàng thương mại cổ phần không thể sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng lành mạnh hoặc không bán lại được cho nhà đầu tư đủ điều kiện hoặc không thể chuyển giao bắt buộc được hoặc không thể cho phá sản được thì thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động”.
Đây có thể nói là mục tiêu, yêu cầu được chú ý nhất trong năm 2020 theo lộ trình của Đề án.
Vì đã nhiều năm sau thời điểm Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc ba ngân hàng yếu kém, DongABank đã họp đại hội đồng cổ đông để tìm giải pháp tăng vốn trong năm 2019 nhưng không khả thi, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào thực sự có nguồn lực mới, cổ đông mới hoặc bước đi cụ thể có tính quyết định để tái cơ cấu thành công.
Trong năm 2019, cũng như trước đó, có những thông tin về việc đàm phán với đối tác nước ngoài, những cuộc tiếp xúc cụ thể…, nhưng đến nay chưa có hiện thực nào về cú hích lớn tái cơ cấu ở đây. Trong khi đó, vừa qua đã có trường hợp phải thông báo tìm đối tác có nguồn lực để có thể có một hướng tháo gỡ nào đó.
Nguồn: