“Chấp” tất cả các biến chủng Covid, Mảng bảo hiểm phi nhân thọ lãi lớn

22/11/2024
Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp trong năm 2021 đều ở mức thấp chưa từng có do không có/ hoãn yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Theo số liệu thông kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 217.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16,71% so với năm 2020. Trong đó, Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 57.880 tỷ đồng, tăng trưởng 3.98 % so với cùng kỳ 2020. Mức tăng trưởng gần 4% này thấp hơn mức tăng 6,63% trong năm 2020.

Mặc dù tăng trưởng doanh thu chỉ ghi nhận ở mức đô khiêm tốn song các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn ghi nhận lợi nhuận khủng trong năm 2021.

Chỉ tính riêng các doanh nghiệp phi nhân thọ trên sàn, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 cho thấy các doanh nghiệp đều ghi nhận mức độ tăng trưởng lợi nhuận đạt hai con số. Tính trung bình cho cả nhóm ngành, lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng 27,4%.

Đáng chú ý, Bảo hiểm Petrolimex (Pjico, HoSE: PGI) công bố lợi nhuận trước thuế hơn 350 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch năm và gấp 1,6 lần so với năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất ghi nhận trong 26 năm hoạt động của Pjico.

Các doanh nghiệp khác như Bảo Việt, Bảo Minh, PTI cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối khả quan, đạt mức tăng trưởng từ 20-30%. Lãi ròng của tập đoàn Bảo Việt thu về trong năm đạt hơn 1.989 tỷ đồng, tăng 21%, trong đó, nếu tính riêng mảng phi nhân thọ, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của doanh nghiệp này cao gấp gần 3 lần năm trước đó.

Tương tự, Bảo Minh cũng ghi nhận lãi quý IV/2021, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2020, đạt 69 tỷ đồng. Trong khi doanh thu từ mảng chính không quá ấn tượng, doanh thu từ mua bán cổ phiếu và thu lãi cổ tức tăng từ chưa đến 2 tỷ đồng cùng kỳ lên 62,2 tỷ đồng. Nhờ hoạt động tài chính mà lợi nhuận cả năm đã tăng 28%.

Ở nhóm sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, Bảo hiểm BIDV (BIC) có mức tăng trưởng mạnh nhất với thu nhập 869 tỷ từ mảng này. BIC cũng đặt ra kế hoạch cho 4 năm tới (2022-2025), mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm bình quân 20%/năm.

Theo nhận định của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI, mặc dù tăng trưởng doanh thu chậm lại, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn mạnh mẽ nhờ lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm cải thiện. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp trong năm 2021 đều ở mức thấp chưa từng có do không có/ hoãn yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là một bước tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm. Với những thay đổi về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực đẩy nhanh việc tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định. Với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành là rất lớn, những kế hoạch tăng vốn của các công ty bảo hiểm sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu bảo hiểm trong thời gian tới.

Theo SSI Research, cơ hội tăng trưởng cổ phiếu ngành bảo hiểm trong năm 2022 sẽ chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố đó là yếu tố về cơ bản (tăng trưởng lợi nhuận) và yếu tố hỗ trợ liên quan đến thoái vốn. Đối với yếu tố cơ bản, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng lợi nhuận dự báo sẽ khiêm tốn do tỷ lệ bồi thường có thể quay về mức bình thường trong năm 2022. Trong khi đó, nếu xét về các yếu tố hỗ trợ, vẫn có những cổ phiếu bảo hiểm nằm trong kế hoạch thoái vốn của nhà nước hay lên kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược, và do đó sẽ thu hút dòng tiền trong năm 2022.

https://cafef.vn/chap-tat-ca-kho-khan-do-covid-bao-hiem-phi-nhan-tho-lai-lon-20220314112529899.chn

Nguồn: