Chênh giá lớn làm tăng nguy cơ vàng “vượt biên”

23/11/2024
Trong giai đoạn cuối năm, nhu cầu vàng trang sức tăng cao hơn sẽ càng kích thích các đối tượng buôn lậu vàng để kiếm lời...

Một trong những vụ án buôn lậu gây rúng động dư luận trong thời gian gần đây chính là việc bà trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cầm đầu đường dây vận chuyển trái phép 51 kg vàng từ Campuchia vào Việt Nam hồi cuối tháng 10 vừa qua.

Được biết, khoảng 5 năm nay, người phụ nữ này tạo vỏ bọc, đánh bóng tên tuổi bằng danh nghĩa chủ doanh nghiệp thường xuyên làm từ thiện ở các huyện biên giới An Giang. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng là thông qua đó tạo mối quan hệ để buôn lậu.

Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với hàng loạt bị can liên quan đến vụ án trên.

Dù vụ án vừa phát hiện được xem là vụ buôn lậu vàng lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam bị bắt giữ nhưng đây không phải là vụ đầu tiên bị lực lượng chức năng phát hiện. Đáng chú ý, vàng lậu không chỉ được vận chuyển qua đường bộ mà còn cả đường hàng không, đường biển.

Qua các giai đoạn khác nhau, khi có sự chênh lệch lớn về giá giữa thị trường trong nước và thế giới thì đều là môi trường cho hoạt động buôn lậu gia tăng, nhất là khi kênh chính ngạch Việt Nam đã ngừng nhiều năm qua.

Nếu như khoảng 6 tháng đầu năm, giá vàng trong nước luôn duy trì ngang bằng, hoặc thậm chí là rẻ hơn giá vàng thế giới, thì đến tháng 8, tháng 9, bắt đầu có sự chênh lệch khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng.

Đặc biệt, đến tháng 11 vừa qua, chênh lệch giá giữa hai thị trường ngày một doãng rộng, lên tới 3- 4 triệu đồng/lượng theo hướng giá trong nước cao hơn.

Nguyên nhân là do giá vàng thế giới bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và các thông tin tích cực về vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng dược Pfizer và Moderna.

Điều này làm cho bình quân giá vàng thế giới đến cuối tháng 11 đã giảm 1,27% so với tháng 10/2020.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đặt ra mức giá mua vào và bán ra chênh lệch cao do lo ngại về rủi ro khi giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ mạnh.

Điều này làm cho giá vàng trong nước chênh lệch khá lớn với giá vàng thế giới sau khi quy đổi.

Chỉ số giá vàng trong nước tháng 11/2020 tăng 0,87% so với tháng trước; tăng 32,04% so với tháng 12/2019 và tăng 31,57% so với cùng kỳ năm trước.

Việc chênh lệch giá giữa hai thị trường ngày một doãng rộng càng đặt ra lo ngại 51kg vàng kia chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm, nhu cầu vàng trang sức tăng cao hơn sẽ càng kích thích các đối tượng buôn lậu vàng để kiếm lời. Hoạt động này vẫn diễn ra ngay cả khi có chế tài mạnh trong xử lý vi phạm pháp luật, cũng như tịch thu toàn bộ tang vật.

Theo giới phân tích, tình trạng buôn lậu vàng hàng chục năm qua tại Việt Nam là do thói quen, nhu cầu tích trữ vàng của người dân rất lớn. Trong khi đó, kể từ khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành vào năm 2012 đến nay, Việt Nam sau đó không nhập thêm bất cứ miếng vàng nguyên liệu nào như cơ chế cấp quota cho các doanh nghiệp đầu mối trước đây.

Nhu cầu lớn trong khi nguồn cung có hạn, cùng chênh lệch giá có những thời điểm lớn tạo môi trường cho nạn buôn lậu. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới đến gần 4 triệu đồng/lượng như hiện tại, và có xu hướng kéo dài, thì việc đưa vàng "vượt biên" đang là một nguy cơ đáng chú ý.

Nguồn: