Chiêu lừa đầu tư 300 triệu đồng, lời khủng… 3.000 tỉ đồng

23/11/2024
Các hình thức lừa đảo rất đa dạng, biến tướng liên tục theo thời gian để tránh đi theo lối mòn và làm nhà đầu tư mất cảnh giác.

Những vụ lừa đảo siêu hạng có xu hướng ngày càng nở rộ . Đáng chú ý là những người bị mắc bẫy chiêu lừa siêu hạng không chỉ là người dân bình thường mà gồm cả những người có chuyên môn về đầu tư tài chính, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm...

Lao vào canh bạc mạo hiểm

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khẳng định: “Lừa đảo tài chính là đỉnh cao trong các hình thức lừa đảo. Bởi rất khó tìm được bằng chứng, có người bị lừa mà vẫn không biết. Thậm chí đến khi hậu quả xảy ra mà người bị lừa vẫn còn… khen ngợi hết lời những tay lừa đảo siêu hạng!”.

Ông kể: Ông và người bạn được một người tên Hải, xưng là nhà tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, hẹn gặp để giới thiệu về cách kiếm tiền siêu lợi nhuận. Tại cuộc gặp, Hải nói rõ về giá trị từng gói đầu tư cùng tỉ suất sinh lợi đi kèm. Trong đó, gói thấp nhất chỉ có giá trị đầu tư là 300.000 đồng và gói cao nhất là 300 triệu đồng.

Theo đó, nếu đầu tư vào các gói dưới 300 triệu đồng thì nhà đầu tư sẽ nhận được mức lãi suất nhỏ, khoảng vài phần trăm mỗi tháng. Nhưng nếu chấp nhận rót tiền đầu tư vào gói 300 triệu đồng cùng với cam kết sẽ không rút vốn trong suốt quá trình đầu tư thì sau ba năm sẽ được nhận tổng số tiền là… 3.000 tỉ đồng!

“Nói thật là ngay khi nghe nói về khoản đầu tư sinh lời siêu lợi nhuận như vậy suýt chút nữa tôi đã đưa tiền cho họ. Nhưng sau đó tôi định thần lại và từ chối” - ông Khánh chia sẻ.

Trong khi đó, bạn của ông, người từng trải qua các vị trí công tác như giám đốc ngân hàng, giám đốc quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… lại chấp nhận đầu tư 300 triệu đồng. “Trường hợp xui sẽ mất 300 triệu nhưng nếu hên, có 3.000 tỉ trong tay, người bạn tôi nói vậy” - ông Khánh kể.

“Tuyệt chiêu của Hải - kẻ lừa đảo gắn mác nhà tư vấn đầu tư là đẩy lòng tham của người nghe vượt qua sự cảnh giác, ngay cả với những người có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư tài chính” - ông Khánh nhận định.

Cụ thể, nếu Hải đưa ra mức lãi suất vài % hay vài chục % thì không thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó Hải dùng mánh khóe khiến cho người nghe mất cảnh giác, cảm thấy sẵn sàng chấp nhận mất một số tiền nhỏ để được hưởng số tiền vô cùng lớn. tâm lý siêu lợi nhuận này cũng tương tự như việc người dân mua vé số, nghĩa là mọi người nghĩ đơn giản: Mua một tờ Vietllot giá chỉ 10.000 đồng, nếu trúng 100 tỉ đồng thì tỉ suất sinh lời cao gấp 10 triệu lần. Dù biết rõ khả năng trúng Vietllot là vô cùng thấp nhưng họ vẫn nghĩ biết đâu mình sẽ nằm trong số % ít ỏi của những người may mắn trúng thưởng. Như vậy, bỏ 300 triệu đồng ra để trúng 3.000 tỉ đồng thì tỉ suất sinh lời đạt 10.000 lần. Vậy là nhà đầu tư dù biết mình chịu rủi ro nhưng nghĩ biết đâu mình hên!

“Tuy nhiên, cùng là đầu tư kiểu hên xui nhưng hai hình thức ăn may này khác nhau ở chỗ Vietllot còn có người trúng nhưng đầu tư theo kiểu này thì không có ai thắng hết. Thực tế chỉ sau một năm kể từ khi Hải mời gọi đầu tư với cam kết lời khủng thì công ty của kẻ tự xưng là nhà tư vấn đầu tư tài chính phá sản, bỏ trốn không còn một ai” - chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nói.

Chiêu lừa đầu tư 300 triệu đồng, lời khủng… 3.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Mới đây nhất, Công ty Alibaba bị cơ quan điều tra cáo buộc lừa đảo gần 6.700 khách hàng với số tiền lên tới 2.500 tỉ đồng. Ảnh: NT

Danh sách người mất tiền tỉ ngày càng dài

Thực tế cho thấy những trùm lừa đảo họ đều là bậc thầy về PR, marketing và họ luôn “sáng tạo” để mọi người chưa kịp cảnh giác với chiêu lừa đảo cũ đã phải “vui vẻ đón nhận” cách thức lừa đảo mới. Các hình thức này trải dài trên mọi lĩnh vực, từ kinh doanh thông thường, khởi nghiệp, bảo hiểm cho đến chứng khoán, vàng, tiền ảo, bất động sản…

Chính vì vậy những câu chuyện bị lừa ngày càng dài ra và số tiền lừa đảo ngày càng lớn. Điển hình như vụ Công ty Liên kết Việt đã lừa dối, chiếm đoạt gần 2.100 tỉ đồng của gần 68.000 khách hàng. Một trong những thủ đoạn để thuyết phục hàng chục ngàn nhà đầu tư bỏ tiền tham gia kinh doanh đa cấp biến tướng là Liên kết Việt đưa ra những khoản khuyến mãi lớn như nộp 7 triệu đồng sẽ được thưởng… hơn 400 triệu đồng. Trường hợp vận động được nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp sẽ được thưởng ô tô trị giá 1 tỉ đồng hoặc nhà trị giá 1,8 tỉ đồng…

8 tỉ đồng theo Công ty Bảo mật CyRadar, đã có trường hợp nhà đầu tư vào tiền kỹ thuật số ở Việt Nam bị lừa mất số tiền lên đến 350.000 USD, tương đương khoảng 8 tỉ đồng. 

Mới đây nhất, Công ty Alibaba cũng có bóng dáng của mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, bị cơ quan điều tra cáo buộc lừa đảo gần 6.700 khách hàng với số tiền lên tới 2.500 tỉ đồng.

Nhiều người cho rằng lòng tham là nguyên nhân khiến hơn 6.700 người sụp bẫy. Nói cách khác, các nhà đầu tư hám lợi nên mờ mắt mà dễ dàng sập bẫy của Alibaba. Tuy nhiên, trong gần 7.000 khách hàng là nạn nhân của Alibaba có cả những người có kinh nghiệm về bất động sản, tài chính. Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao các nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn bị lừa?

Một chuyên gia giấu tên cho rằng nếu nói nhà đầu tư sập bẫy chỉ vì hám lợi là chưa thỏa đáng. Điều kiện cần và đủ để Alibaba lừa được rất nhiều người là họ đã dùng rất nhiều chiêu thuộc hàng “cao thủ” để tạo được niềm tin cho khách hàng. Ví dụ, một trong những tuyệt chiêu của chủ tịch HĐQT Alibaba Nguyễn Thái Luyện là “PR ngược”.

Theo đó, Luyện đã biến tiêu cực thành tích cực, bất lợi thành có lợi, biến những tiếng nói xấu xa về mình trở thành công cụ phục vụ cho việc thuyết phục khách hàng. Luyện không giấu giếm những sai phạm của công ty như cách làm thông thường. Chẳng hạn, Luyện viết trong quyển “Cẩm nang quản lý sale”: “Nhờ bị đuổi việc nên tôi mới mở Công ty Alibaba; Nhờ cụm từ “địa ốc Alibaba lừa đảo, rửa tiền” mà Google hiển thị công ty của tôi nhiều hơn. Nhờ có nhiều người tố cáo phân lô trái phép mà tôi có cơ hội làm việc với lãnh đạo các tỉnh, từ đó địa ốc Alibaba có nhiều quỹ đất và dự án lớn...”.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế trên, mô hình huy động vốn của Alibaba còn siêu hơn cả kinh doanh đa cấp. Nó kết hợp giữa huy động vốn người trước trả cho người sau cộng thêm một số chiêu thức khác… nên nhiều người hào hứng tham gia. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng không làm hết trách nhiệm, không ngăn chặn từ rất sớm nên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhận biết ‘mùi lừa đảo bằng cách nào?

Để giúp người đầu tư nhận dạng được các chiêu bài lừa đảo của những tên trùm khoác bộ mặt tư vấn đầu tư tài chính, các chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là hạn chế lòng tham. Mặt khác, nếu biết cách nắm được những quy tắc trong đầu tư thì có thể tránh được ít nhất 50% rủi ro mất trắng tài sản.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế:

Bọn lừa đảo biến nạn nhân thành ‘kẻ đi săn mồi’

Chiêu lừa đầu tư 300 triệu đồng, lời khủng… 3.000 tỉ đồng - Ảnh 2.

TS Đinh Thế Hiển

Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm có thể sinh lời mà bọn lừa đảo dựa vào đó để mồi chài nhà đầu tư. Sản phẩm đơn giản nhất là hình thức chơi hụi, sản phẩm đang hợp thời nhất hiện nay là đất nền phân lô bán nền kiểu như Alibaba.

Điểm chung dễ nhận thấy của những kẻ lừa đảo là luôn nhấn mạnh vào tỉ lệ sinh lời của việc đầu tư rất cao. Đặc biệt những kẻ lừa đảo luôn biết cách để làm sao cho người nghe tin rằng khả năng sinh lời là có thật. Họ làm cho nhà đầu tư quên đi tính pháp lý của sự an toàn. Ví dụ, tính pháp lý đối với đầu tư đất nền là khi bỏ tiền ra thì phải cầm được giấy đỏ trong tay do chính quyền địa phương chứng thực.

Có một cách thức nữa mà những kẻ lừa đảo thường dùng là “lượng đổi - chất đổi”. Tức là ban đầu kẻ lừa đảo chỉ dụ được nhà đầu tư vài trăm ngàn, vài triệu đồng. Nhưng sau một thời gian nhận lãi đều đặn thì nhà đầu tư chấp thuận rút sạch hầu bao, chui vào “chỗ chết” mà không hề nghi ngờ kẻ lừa đảo, thậm chí còn rất hân hoan tưởng mình trúng đậm.

Để không sụp bẫy lừa đảo, khi lựa chọn một kênh đầu tư nào thì nhà đầu tư cần phải xem xét dựa trên bình quân thị trường. Ví dụ với lãi suất cho vay của ngân hàng là 10%/năm thì khả năng sinh lời an toàn giỏi lắm cũng chỉ đạt tới 30%/năm. Ngoài ra, cũng cần phải tìm hiểu pháp lý của việc đầu tư, bởi nếu không dựa trên cơ sở pháp lý mà vẫn “xuống tiến” vì niềm tin thì nắm chắc phần thất bại.

Thủ đoạn của bọn lừa đảo là kiên trì, nhẫn nại đưa nhà đầu tư vào tròng. Khi nhà đầu tư đã sa lưới thì họ sẽ biến nhà đầu tư thành kẻ đi săn mồi tiếp cho họ theo kiểu đa cấp biến tướng. Do đó, phần lớn nhà đầu tư chỉ “chết” vì hai thứ thôi, đó là tin lầm người và không biết khống chế lòng tham, không tham khảo ý kiến từ người thân hay bạn bè.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng:

Kế hoạch đầu tư là tài liệu ‘mật’

Chiêu lừa đầu tư 300 triệu đồng, lời khủng… 3.000 tỉ đồng - Ảnh 3.

Ông Phan Dũng Khánh

Thông thường những dự án gọi mời đầu tư đều theo các hạng mức, bậc thang và được cam kết sẽ mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí lợi nhuận luôn ổn định bất kể điều kiện biến động của thị trường.

Để tạo sức hút hơn nữa cho nhà đầu tư, kẻ lừa đảo luôn đưa ra mức cam kết lợi nhuận rất khủng. Ví dụ mỗi tháng nhà đầu tư sẽ được tiền lời tối thiểu 2%, thậm chí có thể lên tới 20%/tuần.

Nghe những lời mời chào như vậy, rất thích phải không? Tuy nhiên, có một quy tắc bất di bất dịch là các nhà đầu tư phải cam kết không được rút (tức là tài khoản của nhà đầu tư sẽ bị phong tỏa) trong thời gian 1-5 năm.

Không được rút tiền lời đã là điều bất hợp lý, hơn nữa tiền trả vào tài khoản lại là tiền ảo hoặc tiền do họ tự phát hành hoặc chỉ ghi nhận trên sổ sách. Mỗi lần nhà đầu tư lôi kéo thêm được một người mới tham gia thì số tiền hoa hồng sẽ ngay lập tức chạy vào tài khoản của họ.

Tất nhiên, các hình thức kinh doanh đầu tư của họ không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền. Chi tiết cụ thể của cách thức đầu tư đều được giữ bí mật hoặc được cố ý mô tả rất phức tạp. Đồng thời người tham gia đầu tư không được phép xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ và không được biết họ làm gì ra tiền để trả lãi

cho bạn.

Thực tế đã chỉ ra tất cả lợi nhuận nào vượt qua ba lần lãi suất của ngân hàng đều có mùi lừa đảo. Chỉ cần nghe đến những chương trình mời gọi đầu tư có lợi nhuận cao như vậy thì tỉ lệ lên tới 98% khả năng bạn bị lừa.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng:

Phải bỏ tâm lý biết đâu mình may mắn

Chiêu lừa đầu tư 300 triệu đồng, lời khủng… 3.000 tỉ đồng - Ảnh 4.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Vấn đề quan trọng của người đầu tư là họ phải hiểu xem tiền mà họ nhận được đó lấy từ đâu ra. Nếu người mời chào chỉ hứa rằng bỏ vào 300 triệu đồng lời 3.000 tỉ đồng mà không cho biết chi tiết cụ thể của cách thức đầu tư từ đâu đẻ ra số tiền lãi khủng như thế thì 110% là lừa đảo.

Thực tế chứng minh phần lớn những người chấp nhận đầu tư ngoài việc không chế ngự được lòng tham, họ thường tin rằng “biết đâu mình không nằm trong số 99% người bị lừa, mà mình sẽ nằm trong số 1% người may mắn”. Song con số 1% may mắn đó không bao giờ tồn tại, thậm chí là 0% và đều là lừa đảo hết. Do vậy phải bỏ tâm lý biết đâu mình may mắn.



Nhận diện những chiêu lừa đảo phổ biến

Một số chuyên gia tài chính đúc kết đặc điểm chung của những kẻ đi lừa là sử dụng những chiêu dưới đây để "pha loãng" sự nghi ngờ của đối phương.

Thứ nhất, họ kêu gọi nhà đầu tư góp vốn vào một lĩnh vực tiềm năng nào đó nhưng thường khiến nhà đầu tư không hiểu. Thậm chí với cả người có chuyên môn cũng sẽ không hiểu do cách trình bày phức tạp hóa vấn đề.

Thứ hai, tổ chức các buổi roadshow hoành tráng với sự có mặt của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng; đồng thời úp mở đánh lận trắng đen rằng những người nổi tiếng, có địa vị trong xã hội cũng tham gia dự án chung với họ. Bên ngoài thì thuê siêu xe đậu đầy đường để mọi người tập trung selfie PR...

Bằng chứng rõ nhất là vụ hàng ngàn người sập bẫy Công ty Cổ phần Modern lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng từ tiền ảo ifan. Công ty này cam kết với người đầu tư vào tiền ảo ifan được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa bốn tháng. Không chỉ vậy, nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%.

Bằng thủ đoạn trên, các thành viên của Công ty Modern Tech đã mời gọi hơn 32.000 nhà đầu tư tham gia dự án tiền ảo ifan. Điều đáng nói là sau khi các nhà đầu tư góp vốn 15.000 tỉ đồng thì họ không được các thành viên của Công ty Modern Tech hoàn trả vốn, lãi.

Hay mới đây TAND TP.HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Võ Văn Quế (quê ở tỉnh Đắk Nông) 14 năm tù về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Quế tổ chức thành lập hệ thống giao dịch huy động tài chính theo mô hình đa cấp siêu lừa trên mạng Internet.

Quế cam kết với khách hàng rằng sẽ trả lại tiền nếu xảy ra bất kỳ rủi ro, thiệt hại nào. Người tham gia vào hệ thống đầu tư bằng cách gửi tiền vào tài khoản do Quế quản lý và nhận lãi suất 100%/tháng…

"Những loại hình này rõ ràng là một dạng biến tướng mô hình kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, khung pháp lý cho hoạt động này lại chưa có hoặc pháp luật hiện hành chỉ tập trung vào mảng hàng hóa vật chất nên đã bỏ quên loại hình này" - một chuyên gia nhấn mạnh.

Nguồn: