Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Như BizLIVE đề cập gần đây, tại một số diễn đàn của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề cập đến hướng đi mới trong cân đối ngân sách nhà nước (NSNN): xem xét phát hành trái phiếu hoặc công trái bằng ngoại tệ phát hành trong nước, để huy động nguồn lực trong nền kinh tế.
Hướng đi trên được so sánh tính khả thi, sức thu hút của lãi suất trái phiếu hoặc công trái so với mức trần lãi suất 0%/năm đang áp dụng đối với tiền gửi ngoại tệ (USD) tại các ngân hàng hiện nay.
Và như BizLIVE đặt vấn đề ở mối liên hệ của hướng đi này với thực trạng đô la hóa trong nền kinh tế, với ổn định tỷ giá USD/VND (lãi suất USD tại thị trường Việt Nam thêm yếu tố hấp dẫn, thu hẹp chênh lệch lãi suất với VND hiện nay…), thì Bộ Tài chính cũng nêu trong tờ trình về dự thảo trên.
Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Đối với việc phát hành TPCP bằng ngoại tệ tại thị trường trong nước, Nghị định số 95/2018/NĐ-CP quy định tổ chức phát hành trái phiếu ngoại tệ theo phương thức riêng lẻ.
“Quy định nêu trên tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP được Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Phiếu ý kiến thành viên Chính phủ (để phù hợp với định hướng chống đô la hóa, đề nghị quy định trường hợp phát hành TPCP ngoại tệ do Thủ tướng Chính phủ quy định và phải phát hành theo hình thức riêng lẻ, trực tiếp cho một số TCTD có nguồn ngoại tệ đảm bảo)”, Bộ Tài chính cho biết.
Về thực tế triển khai, từ khi Nghị định số 95/2018/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 01/7/2018), Bộ Tài chính chưa tổ chức phát hành TPCP bằng ngoại tệ. Nhưng trong năm 2015, 2016, căn cứ quy định tại Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành TPCP, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phát hành 2,7 tỷ USD TPCP ngoại tệ kỳ hạn 5 - 10 năm, lãi suất 3,8-4,8% theo phương thức phát hành riêng lẻ trực tiếp cho một số TCTD được phép kinh doanh ngoại hối có số dư ngoại tệ tốt theo ý kiến của NHNN.
Theo Bộ Tài chính, việc phát hành TPCP bằng ngoại tệ theo phương thức riêng lẻ như trên có hạn chế là khó xác định lãi suất phát hành do chỉ phát hành trực tiếp cho một hoặc hai đối tượng là tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối.
Cùng đó, cơ quan quản lý NSNN cho rằng, tại thời điểm tham gia ý kiến với phiếu thành viên Chính phủ, dự trữ ngoại hối chính thức của Việt Nam còn tương đối thấp (đến hết năm 2018 là 52,9 tỷ USD). Hiện nay dự trữ ngoại hối đã lên mức khoảng 100 tỷ USD, trạng thái ngoại tệ trên thị trường dự kiến tiếp tục ổn định do Việt Nam tiếp tục thu hút tốt vốn FDI, lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng (năm 2020 đạt 17,2 tỷ USD).
“Theo đó, có thể sửa đổi, bổ sung phương thức phát hành để nâng cao hiệu quả huy động TPCP ngoại tệ cho NSNN”, Bộ Tài chính đặt vấn đề.
Với những dẫn giải trên, dự thảo mà Bộ Tài chính đang xây dựng đưa ra điều chỉnh quy định về phát hành TPCP bằng ngoại tệ theo hướng mở rộng.
Cụ thể, để tăng tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả trong công tác huy động vốn thông qua phát hành TPCP bằng ngoại tệ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bỏ quy định chỉ phát hành TPCP bằng ngoại tệ theo phương thức riêng lẻ tại Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 95/2018/NĐ-CP, đồng thời bổ sung quy định đối tượng mua và giao dịch trái phiếu ngoại tệ là cá nhân và tổ chức được phép kinh doanh ngoại hối theo quy định của pháp luật ngoại hối.
Với thay đổi trên, có thể phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ theo cả 03 phương thức đấu thầu, bảo lãnh và riêng lẻ.
Với quy định nêu trên, theo Bộ Tài chính, trong triển khai thực hiện có thể lựa chọn tổ chức phát hành TPCP bằng ngoại tệ theo phương thức đấu thầu để vừa có căn cứ để xác định lãi suất phát hành vừa tăng tính cạnh tranh; tổ chức được tham gia đấu thầu và giao dịch TPCP bằng ngoại tệ đáp ứng điều kiện là cá nhân và tổ chức được kinh doanh ngoại hối theo ý kiến của NHNN.
Nguồn: