Chờ “game” đấu giá cổ phần Sacombank

02/05/2024
Việc xử lý được khối tài sản tại VAMC được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực lên giá cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường...

Theo kế hoạch, Ngân hàng Sacombank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào ngày 22/4 tới. Bên cạnh kế hoạch kinh doanh cho năm mới, phân phối lợi nhuận năm cũ, một trong những nội dung mà cổ đông ngân hàng quan tâm tại đại hội lần này chính là kế hoạch xử lý 32,5% cổ phần ngân hàng mà VAMC đang quản lý, có nguồn gốc từ những khoản nợ của ông Trầm Bê chưa xử lý xong.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cho biết, sau khi hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2022, Sacombank dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần này cho hai đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, Chủ tịch Sacombank cũng nhấn mạnh, việc bán cổ phần phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện của số cổ phần này là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo đề án tái cơ cấu, ngân hàng phải xin ý kiến Thủ tướng mới có thể thực hiện phương án đấu giá số cổ phần này.

Ông Dương Công Minh khi đó cũng cho biết, ngân hàng đang xin cơ chế mua lại khoản nợ xấu tại VAMC rồi bán đấu giá lượng cổ phần nêu trên. Giá đấu sẽ rơi vào khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu để thu đủ vốn, lãi, lãi phạt. Theo người đứng đầu Sacombank, việc này chắc phải giải quyết trong năm 2022.

Cũng tại đại hội này, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, đã trình ban lãnh đạo, Chính phủ và NHNN liên quan đến khoản nợ xấu của ông Trầm Bê. Dự kiến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 sẽ có trả lời chính thức về hướng xử lý khối tài sản này.

Theo đánh giá của Chủ tịch VAMC, sau khi số cổ phiếu này được xử lý sẽ tốt cho Sacombank, người mua sẽ đưa tiền tươi thóc thật vào để tái cơ cấu, chăm chút cho ngân hàng và thúc đẩy Sacombank phát triển.

Tuy nhiên, đã gần hết quý 1/2022, các thông tin liên quan đến cơ chế xử lý số cổ phiếu này từ cơ quan quản lý cũng như Chính phủ đến nay vẫn chưa được công bố.

Dù vậy, kỳ vọng lớn với "game" đấu giá vẫn khiến cổ phiếu STB liên tục "nổi sóng" từ cuối năm 2021 tới nay với thanh khoản liên tục ghi nhận ở mức cao. Đi cùng với thanh khoản, giá cổ phiếu STB cũng diễn biến tích cực. Thị giá cổ phiếu này từng lên tới vùng 36.000 đồng/CP, vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết, trước khi có điều chỉnh theo thị trường chung gần đây.

Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, quy định về trần sở hữu nước ngoài dẫn đến việc khó tăng room cho tất cả các ngân hàng trong hệ thống; tuy nhiên, Sacombank là ứng viên sáng giá trong việc nới room lên 49% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo EVFTA, trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được sở hữu tới 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank.

Theo đó, cơ hội này được trao cho khối ngân hàng thương mại tư nhân, trong đó, Sacombank là một ứng viên sáng giá do 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho VAMC.

Theo nhóm phân tích của VCSC, việc bán 32,5% này trong một lần sẽ tính đem lại giá trị cao nhất cho VAMC, và do số cổ phần này vượt quá ngưỡng tối đa 30% (hiện đang áp dụng cho các ngân hàng), nên việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA .

Đối với Sacombank, giới phân tích đánh giá, việc xử lý được khối tài sản này sẽ có tác động tích cực lên giá cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường. Ngoài ra, việc tất toán toàn bộ khoản trái phiếu này cũng giúp Sacombank giảm được các áp lực trích lập dự phòng đồng thời sẽ có nhiều cơ sở để nhận được hạn mức tín dụng cao hơn, từ đó tác động tích cực đến lợi nhuận trong tương lai...

Nguồn: