Theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - trong bối cảnh lãi suất huy động nhích lên gần đây, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Thời điểm thích hợp
Từ hôm nay (16-9), hàng loạt lãi suất điều hành chủ chốt của NHNN sẽ giảm 0,25 điểm phần trăm (%) so với trước đó. Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu xuống 4%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NH về 7%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở còn 4,5%/năm.
Lãi suất giảm sẽ thúc đẩy vay tiêu dùng lẫn sản xuất - kinh doanh nhiều hơn Ảnh: TẤN THẠNH
TS Cấn Văn Lực cho rằng quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là động thái phù hợp ở thời điểm hiện tại bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều NH trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất, FED nhiều khả năng sẽ giảm tiếp lãi suất thời gian tới. Nhiều nước trong nhóm nền kinh tế mới nổi cũng đã hạ lãi suất. Ở thời điểm hiện tại và dự kiến cả năm nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thông thường, khi lãi suất điều hành giảm sẽ tạo áp lực tăng lạm phát nên lạm phát tương đối thấp trong hiện tại rất thích hợp để giảm lãi suất. Dù vậy, mức độ các tổ chức tín dụng được vay tái cấp vốn từ NHNN không nhiều, mức giảm lãi suất cũng nhỏ, chỉ 0,25%. Để lãi suất điều hành giảm tác động hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, theo TS Cấn Văn Lực, cần lộ trình và độ trễ nhất định, mà khả năng phải đến cuối năm hoặc qua năm sau.
Tín hiệu tích cực
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định việc cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN chủ yếu mang tính chất định hướng và tâm lý bởi các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn chỉ diễn ra khi một số NH thương mại gặp khó khăn lớn về thanh khoản, không vay được tiền thông qua kênh liên NH mà phải tìm đến NHNN. Việc có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ phải chờ thêm các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng thị trường đón nhận thông tin trên khá tích cực bởi đây là một trong những tín hiệu đầu tiên của chính sách nới lỏng kinh tế. NHNN giảm lãi suất cũng làm giảm tỉ giá giữa VNĐ/CNY (nhân dân tệ), tránh ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh của Việt Nam với đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận xét giảm lãi suất điều hành là động thái nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau khi số liệu sản xuất của tháng 8-2019 cho thấy một số dấu hiệu suy yếu. "Lãi suất thấp hơn được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng cá nhân; doanh nghiệp tận dụng lãi suất thấp hơn để vay thêm phục vụ mở rộng và nâng cao sản xuất. Điều này sẽ giúp duy trì và cải thiện tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất" - các chuyên gia ACBS phân tích.
Nhiều NH thương mại cho biết lãi suất điều hành của NHNN giảm là một tín hiệu để lãi suất trên thị trường giảm theo. Khi một số NH thương mại vay vốn từ NHNN giảm được chi phí đầu vào sẽ kéo lãi suất tiền gửi và cho vay đi xuống. Dưới góc nhìn khác, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính Marketing, cho biết việc NHNN giảm lãi suất điều hành thông thường sẽ làm VNĐ giảm giá nhưng trên thực tế, giá trị VNĐ vẫn đứng vững, bằng chứng là lãi suất tiền gửi tại các NH thương mại không giảm. Động thái của NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành chủ chốt sẽ hỗ trợ các NH thương mại gặp khó về thanh khoản tạm thời, thiếu hụt vốn không vay được trên thị trường liên NH; các NH thương mại đang cho vay trên thị trường liên NH với lãi suất cao phải cân nhắc lại.
GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh tế TP HCM):
Cần mang tính thị trường hơn
Sau bao năm "kiên định", việc NHNN giảm lãi suất mới đây là động thái cần thiết. Tuy vậy, còn quá sớm để dự báo kết quả của việc giảm lãi suất lần này bởi thực tế từ rất nhiều năm qua, các mức lãi suất điều hành của NHNN tác động không đáng kể đến nền kinh tế.
Để việc giảm lãi suất lần này có thực chất, NHNN cần đổi mới khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hiện đại hơn theo các khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và nhiều định chế tài chính quốc tế. Cụ thể, NHNN phải công bố thời gian biểu cụ thể để đưa lãi suất chính sách trở thành công cụ hữu hiệu thay vì chỉ mang tính hành chính như hiện nay, tức là phải làm sao để lãi suất mang tính thị trường nhiều hơn, ít "mệnh lệnh" hơn và do đó cũng ít hiệu lực hơn.
Hơn ai hết, các nhà hoạch định chính sách của NHNN biết rất rõ làm thế nào để kênh truyền dẫn lãi suất tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Vấn đề là quyết tâm và thời gian biểu cho một sự chỉnh sửa mạnh mẽ trong đổi mới chính sách lãi suất điều hành của NHNN thì giới quan sát chưa nhìn thấy rõ. Trong bối cảnh bất định toàn cầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay, NH trung ương của nhiều nước đã đổi mới các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, nhất là chính sách lãi suất. Giới quan sát vẫn đang chờ đợi điều này ở NHNN.
Thy Thơ ghi
Nhiều kỳ vọng
Chiều 15-9, theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, chưa NH thương mại nào công bố điều chỉnh lãi suất. Trong khi đó, nhiều người vay vốn đang ngóng NH thương mại giảm lãi suất trong thời gian tới. Chị Hoàng Thanh (ngụ quận 2, TP HCM) cho biết đang có khoản vay mua nhà hơn 1 tỉ đồng tại NH thương mại với lãi suất năm đầu ưu đãi, từ năm thứ 2 trở đi khoảng 10,5%/năm. "Trung bình mỗi tháng tôi phải trả gốc và lãi khoảng 13-14 triệu đồng, nếu lãi vay giảm thì áp lực tài chính sẽ bớt phần nào" - chị Thanh chia sẻ. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang có khoản vay tại NH thương mại với lãi suất từ 11-13%/năm, cũng kỳ vọng lãi vay có cơ hội hạ để bớt áp lực chi phí đầu vào.
Nguồn: